Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính (CCHC) tại 24 quận, huyện ở TPHCM đã mang lại kết quả nhất định trong việc tăng cường tính giám sát, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, khắc phục lề lối làm việc lề mề, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ cho dân… Tuy nhiên, để công cụ này thật sự là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển, còn nhiều vấn đề đang đặt ra cần được quan tâm giải quyết.
- Đơn vị dẫn đầu cả nước
Kết quả giải quyết hồ sơ cho dân của 24 quận, huyện không chỉ được cập nhật trực tuyến qua trang một cửa điện tử của TP (http://motcua.ict.gov.vn) mà nay, sáng thứ hai hàng tuần, kết quả này đã tự động báo trực tiếp vào điện thoại di động của lãnh đạo quận, huyện. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, phân tích: Việc làm này giúp lãnh đạo địa phương cập nhật được tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn, trễ hẹn của quận (huyện) mình, vừa tăng cường tính giám sát của lãnh đạo các cấp và giữa các đơn vị quận, huyện. Mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng phục vụ dân. TPHCM là đơn vị đầu tiên của cả nước công khai minh bạch tình trạng giải quyết hồ sơ qua mạng. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu trong cả nước về ứng dụng CNTT hiệu quả trong cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, kết quả việc ứng dụng CNTT không đồng đều giữa các quận, huyện. Có những quận ứng dụng CNTT trên nhiều lĩnh vực để giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính và công khai tỷ lệ giải quyết hồ sơ cho dân như quận 7, Tân Phú, Tân Bình (6 lĩnh vực) gồm: kinh doanh; lao động; văn hóa; y tế; tài nguyên, môi trường; xây dựng, đô thị; chứng thực. Tuy nhiên, cũng có nơi chỉ ứng dụng 2 lĩnh vực như quận 3, Gò Vấp, Nhà Bè… Chưa kể, việc đầu tư trang thiết bị cho các quận, huyện hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu, thậm chí nhiều nơi máy móc hết thời hạn bảo trì nhưng vẫn chưa được đầu tư mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận và xác định lại trang thiết bị CNTT như một phương tiện sản xuất mà sản phẩm của nó là các dịch vụ cung cấp cho dân, chứ không phải là trang thiết bị văn phòng đơn thuần, để quan tâm đầu tư đúng mức nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu của dân. Ngoài ra, các quận, huyện đặc biệt “kêu” về các vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực CNTT. Ở góc độ quản lý ngành, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định: So với yêu cầu công việc, mỗi quận huyện cần 3 - 5 người trong lĩnh vực CNTT, trong khi hiện nay mỗi quận huyện chỉ có 1 - 2 người.
- Nguồn nhân lực - vấn đề mấu chốt
Mổ xẻ sâu vấn đề, một lãnh đạo quận Bình Thạnh nêu bất cập: Vẫn chưa có một chức danh nào đối với người công tác trong lĩnh vực CNTT tại các quận, huyện. Tổ CNTT ở các quận, huyện hiện nay trực thuộc văn phòng nên người làm công tác CNTT tại quận, huyện như một nhân viên văn phòng. “Môi trường làm việc tốt phải đáp ứng một trong những nhu cầu cơ bản của người lao động là cơ hội thăng tiến nhưng rõ ràng người làm trong lĩnh vực CNTT tại các quận, huyện hiện nay không đảm bảo được nhu cầu này. Rất khó có thể bổ nhiệm anh em làm cán bộ quản lý tại các phòng ban của quận, huyện khi chuyên ngành của anh em là về CNTT. Do vậy, cần có một chức danh về CNTT cho đội ngũ làm công tác này tại quận, huyện”, vị lãnh đạo trên nêu ý kiến.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Chủ tịch UBND quận 1, lập luận: “Mặc dù được đào tạo bài bản, là nguồn lao động chất xám nhưng người làm công tác CNTT tại các quận, huyện lại hưởng lương như nhân viên văn phòng. Trong khi đó, hiện nay tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, mức lương đối với người lao động trong lĩnh vực này khá cao, nên đây là một thách thức lớn đối với địa phương để giữ chân nguồn nhân lực này. Khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị có thể đầu tư được nhưng nếu không có cơ chế chính sách giữ chân nguồn nhân lực CNTT tại các quận, huyện thì thua”.
| |
VÂN ANH