Ứng phó biến đổi khí hậu ở California (Mỹ)

Do mực nước biển ngày càng dâng cao, bão lũ gây lụt lội ngày càng trầm trọng hơn, cộng với hiện tượng axit hóa đại dương ven biển, tiểu bang California của Mỹ phải đối mặt với nguy cơ từ biến đổi khí hậu. 
Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe con người, các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hay việc khai thác thủy sản và các sinh hoạt hàng ngày của người dân. Tiểu bang California đã có nhiều cố gắng trong nỗ lực giảm lượng khí thải nhà kính và xây dựng khả năng phục hồi trước tình trạng bất ổn về biến đổi khí hậu, đã mang lại một số bài học cho các thành phố, tiểu bang và quốc gia đang phải đối mặt với các khó khăn liên quan đến biến đổi khí hậu.
Thứ nhất là có thể giảm phát thải khí nhà kính trong khi vẫn xây dựng một nền kinh tế phát triển. Kể từ năm 2001, nền kinh tế California đã tăng trưởng, trong khi lượng thải khí nhà kính lại giảm. Chính quyền tiểu bang đã đổi mới các hạn ngạch khí thải của các công ty, hạn chế tổng lượng phát thải trên toàn tiểu bang trong khi xác định mức phạt mà các công ty gây ô nhiễm phải trả. Mục tiêu là để giảm phát thải khí nhà kính xuống 40% vào năm 2030. Chương trình Tín dụng khí hậu California là một phần trong những nỗ lực của California nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Tín dụng này lấy từ một chương trình của chính quyền tiểu bang. Theo đó, các nhà máy điện và cơ sở công nghiệp lớn khác phát thải khí nhà kính phải mua giấy phép phát thải carbon từ các cuộc đấu giá do Ban Tài nguyên Khí (Air Resources Board) quản lý.
Ứng phó biến đổi khí hậu ở California (Mỹ) ảnh 1 California nỗ lực giảm khí thải nhà kính nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế
Mục tiêu này khá tham vọng và đã cung cấp mô hình hiệu quả cho những người tìm kiếm giải pháp vừa tạo việc làm, đồng thời kích thích sự sáng tạo và giảm lượng khí thải. 
Bài học thứ hai là thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự hiểu biết về sự thay đổi của khí hậu. California đã yêu cầu đánh giá thường xuyên những thay đổi có hệ thống và dự báo những diễn biến có thể xảy ra trong tương lai. Quá trình khoa học này mang lại những hiểu biết sâu sắc về bản chất của những gì đang xảy ra ở California. Và những hiểu biết chính xác này đã cung cấp nền tảng cho việc đưa ra quyết định. Ví dụ như đưa diễn biến sự tăng giảm về nhiệt độ, tuyết và dòng chảy vào quản lý trữ lượng nước ngầm; lên kế hoạch và vận hành cơ sở hạ tầng của nó.
Trái ngược với sự hoài nghi và phủ nhận của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và đa số thành viên đảng Cộng hòa tại California đối với các báo cáo khoa học về khí hậu, tiểu bang California đã đầu tư rất nhiều vào sự tìm hiểu về biến đổi khí hậu và đã tìm ra những giải pháp thông minh vừa để tạo ra việc làm vừa tăng hiệu suất sử dụng năng lượng và vừa giảm phát thải; trong khi vẫn xây dựng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và một loạt vấn đề có thể xảy ra trong tương lai.
Bài học thứ ba là mặc dù kinh tế phát triển mọi người cần phải làm việc nhiều hơn nữa để đảm bảo sự công bằng cho mọi cư dân khi đối mặt với biến đổi khí hậu. Nhiều tài liệu minh chứng rõ ràng việc nghèo đói dễ làm tăng tính tổn thương do khó khăn liên quan đến khí hậu. Trong thời gian hạn hán mới đây, hàng ngàn người dân California bị ảnh hưởng do không có nước trong nhiều tháng, làm nổi lên sự bất bình đẳng nghiêm trọng và khả năng “dễ tổn thương” trong tiểu bang. Chính phủ đã tập trung vào việc đảm bảo thu nhập cho những cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ chương trình cắt giảm khí thải.
Vào tháng 7 năm nay, Quốc hội bang California vừa quyết định kéo dài chương trình Tín dụng khí hậu đến năm 2030. Dự kiến sau năm 2020, số tiền thu được từ việc đấu giá quota khí thải carbon đạt 26 tỷ USD sẽ được sử dụng đầu tư cho các dự án năng lượng sạch, chống cháy rừng và 35% (tương đương 9 tỷ USD) quỹ này được đầu tư cho các cộng đồng khó khăn, thu nhập thấp. 
Nước Mỹ mới chính thức thông báo với Liên hiệp quốc rằng, họ có kế hoạch rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris. Nhiều bang, thành phố và các tập đoàn đang tìm cách khắc phục, phòng tránh hoặc có thể là thích nghi với sự thay đổi này. Và California - nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới đang được xem là mẫu hình của toàn cầu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu: vừa cắt giảm khí thải vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế và đảm bảo việc làm cho người lao động.

Tin cùng chuyên mục