Các chuyên gia y tế dự báo tháng 11 tới, diễn biến bệnh dịch tay chân miệng vẫn phức tạp trên nhiều địa phương. Tại TPHCM, hiện bệnh dịch có vẻ “chựng lại” nhưng vẫn trung bình 300 ca/tuần, nâng tổng số ca mắc bệnh từ đầu năm đến nay lên gần 10.000 ca với 26 trẻ tử vong.
Phân tuyến điều trị
Mặc dù số ca tử vong do bệnh tay chân miệng cao nhất nước, tập trung cao điểm vào tháng 5, 6 nhưng 3 tháng gần đây TPHCM đã kiểm soát được tình trạng này. “Với tỷ lệ tử vong trên bệnh nặng đạt 3% là rất thấp. Các nước khác có khi tỷ lệ lên 10%”, BS Phan Văn Báu, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Trưởng ban chỉ đạo điều trị dịch bệnh TPHCM cho biết.
Để được như vậy, theo BS Báu, TPHCM thực hiện triệt để phác đồ điều trị của Bộ Y tế và tham khảo phác đồ điều trị của quốc tế. Hơn nữa, 3 yếu tố quyết định đến công tác điều trị hiệu quả bệnh tay chân miệng là máy móc trang thiết bị đầy đủ nhờ đã được chuẩn bị từ thời dịch cúm A/H1N1, thuốc men kịp thời như Gamma Globumin, áp dụng kỹ thuật lọc máu trong điều trị. Và quan trọng là các bác sĩ hồi sức ở BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, BV Bệnh nhiệt đới đã lành nghề trong hồi sức cấp cứu.
“Thành công trong thời gian qua là đã tập trung hồi sức các bệnh nặng tại các khoa hồi sức. Trẻ tử vong do 3 vấn đề: sốc nặng, viêm não và viêm cơ tim. Với 3 hội chứng này gây tử vong rất nhanh nếu không hồi sức tốt”, BS Báu nói.
Với diễn biến bệnh dịch tay chân miệng phức tạp, mới đây Sở Y tế TPHCM đã phân tuyến điều trị. Theo đó, những ca bệnh mức 2a trở xuống (độ nhẹ) được điều trị tại bệnh viện quận huyện, và 2b trở lên (độ nặng) được điều trị ở tuyến thành phố. Vậy, liệu các bệnh viện quận huyện có đủ sức điều trị? Bác sĩ Phan Văn Báu cho biết Sở Y tế đã đi thẩm định các bệnh viện quận huyện và tăng cường đào tạo nhân sự hồi sức cấp cứu, tăng cường thêm trang thiết bị, cũng như bổ sung danh mục thuốc, nếu cần.
Lãng phí chất diệt khuẩn
Một thực tế mà Sở Y tế TPHCM biết rất rõ là tình trạng cấp phát và sử dụng hóa chất diệt khuẩn Cloramin B phòng chống bệnh dịch tay chân miệng mang lại hiệu quả chưa đáng kể khi một bộ phận người dân không sử dụng hoặc không biết cách sử dụng. Vậy nhưng, từ đầu năm đến nay TPHCM đã bỏ ra hàng tỷ đồng mua hóa chất diệt khuẩn nhưng không giám sát xem hiệu quả đến đâu.
Đơn cử như cao điểm bệnh dịch tay chân miệng hồi tháng 5,6, Trạm y tế phường 11, quận 10 theo dõi 769 hộ có trẻ dưới 5 tuổi và đã phát thuốc diệt khuẩn Cloramin B về tổ dân phố. Nhưng qua giám sát chỉ khoảng 50% hộ dân sử dụng thuốc. Tương tự là hàng loạt trạm y tế khác đều có chung nhận định là phát Cloramin B cho tổ dân phố rồi thôi, còn có sử dụng hay không thì… chịu.
Theo BS Phan Văn Báu, qua khảo sát các địa bàn, công tác truyền thông chưa đạt yêu cầu là nguyên nhân chính. “Truyền thông là phải làm thay đổi hành vi của người dân. Chẳng hạn Cloramin B phát cho người dân nhưng họ không sử dụng, hoặc không biết cách sử dụng dẫn đến vừa lãng phí mà không phòng chống được dịch bệnh. Phát thuốc là việc cần thiết để những gia đình có trẻ em, cơ sở mầm non, mẫu giáo phòng ngừa. Nhưng vấn đề là làm sao phát mà người dân dùng và biết dùng”, BS Báu nói.
Tại các cuộc họp giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TPHCM về phòng chống bệnh dịch tay chân miệng hồi tháng 7, 8 vừa qua, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội cũng băn khoăn vì tình trạng cấp, phát hóa chất diệt khuẩn Cloramin B tràn lan nhưng nhiều người dân không sử dụng. Để hạn chế tình trạng này, theo BS Báu, thuốc, hóa chất cần đóng bì và dán hướng dẫn lên đó chứ người dân nhận thuốc về nhưng nghe không rõ, không nhớ thì không biết cách sử dụng.
Ngày 21-10, ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã có văn bản giải trình gửi Thường trực Thành ủy, UBND TPHCM về việc thanh tra vào cuộc cấp phát thuốc sát khuẩn mà báo SGGP (18-10) đã thông tin. Theo ông Thanh, từ đầu năm đến nay Sở Y tế đã cấp phát trên 70 tấn Cloramin B, tuy nhiên qua khảo sát cho thấy ít hộ dân sử dụng. Cũng theo ông Thanh, Sở Y tế đang chỉ đạo thanh tra việc sản xuất kinh doanh và sử dụng hóa chất diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng và y tế chứ không thanh tra cấp phát thuốc sát khuẩn đối với Trung tâm Y tế dự phòng TP. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo SGGP, BS Phan Văn Báu, Phó Giám đốc Sở Y tế- Trưởng ban chỉ đạo điều trị dịch bệnh TPHCM, cho rằng địa phương phải giám sát việc cấp phát hóa chất, thuốc sát khuẩn. Từ phường đến khu phố, tổ dân phố phải đến từng hộ gia đình để kiểm tra sử dụng, cách sử dụng thế nào. Sắp tới giao cho một đơn vị thu thập, khảo sát tình trạng này. |
TƯỜNG LÂM