Ứng phó thời tiết xấu

Đến nay đã cuối tháng 8 âm lịch, mà mực nước đầu nguồn sông Cửu Long vẫn ở mức thấp. Mực nước cao nhất ngày 7-10, trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,20m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 1,94m, thấp xa so với mức báo động 1 (tại Châu Đốc là 3m và tại Tân Châu là 3,5m). Mực nước thấp khiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, hoạt động sản xuất của người dân trong mùa nước nổi cũng đìu hiu.

Mỗi năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp trong mùa nước nổi ở Đồng Tháp, An Giang tạo ra hàng ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động ở nông thôn. Năm nay, mực nước về thấp, hoạt động của các làng nghề mùa nước như đóng xuồng, câu, lưới… bị ảnh hưởng nặng.Nước không về, tôm cá cũng ít đi, người dân mất kế sinh nhai từ nguồn lợi con nước đổ đồng. Tại các huyện đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, những cánh đồng xa mút mắt chỉ mấp mé nước. Bà con đã ngưng sản xuất lúa vụ 3...

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đạt mức cao nhất vào cuối tháng 10-2015. Trên sông Tiền tại Tân Châu đạt 2,8m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,4m, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,2m. Trước tình hình nước lũ về thấp, nông dân ĐBSCL lo lắng vì chi phí sản xuất lúa sẽ tăng cao, năng suất, chất lượng sẽ bị ảnh hưởng. Đồng ruộng không được xả nước dọn vệ sinh, tiêu diệt mầm bệnh, sẽ không có phù sa bồi đắp, đất bị bạc màu.

Trong khi đó, mùa mưa năm nay ở Nam bộ lượng mưa ít và thất thường. Từ đầu mùa mưa đến nay, khu vực ĐBSCL chỉ có vài cơn mưa lớn, còn lại là mưa rải rác. Nhiều bậc cao niên cho biết: “Ít thấy năm nào mà mưa gió thất thường như năm nay. Đã vậy, mùa mưa gì mà cứ nắng suốt, lâu lâu mưa rào một trận, chỉ đủ ướt áo. Thời tiết bây giờ lạ quá!”. Trong khi đó, rằm tháng 8, các tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu đã hứng chịu vài đợt triều cường. Đã thành quy luật, nếu năm nào nước về ít, triều cường sẽ dâng cao và nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống.

Những ngày gần đây, khu vực phía Nam xuất hiện “mù khô”. Tại TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL, “mù khô” dày đặc, kéo dài suốt cả ngày. Các chuyên gia nhận định nguyên nhân của hiện tượng này có thể do ô nhiễm từ vụ cháy rừng ở Indonesia khuếch tán qua. Trên các phương tiện thông tin đại chúng của Thái Lan, Singapore, Malaysia cũng có đề cập hiện tượng “mù khô” xảy ra ở các nước này. Không chỉ có “mù khô” có thể là do cháy rừng ở Indonesia, mà khu vực ĐBSCL còn thỉnh thoảng cũng xuất hiện sương mù dày đặc vào sáng sớm, gây bất ngờ và lo ngại cho người dân.

Có thể thấy, diễn biến thời tiết ngày càng khác lạ, không theo quy luật, ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của các hiện tượng thời tiết bất thường là do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Chính phủ cũng đã xác định ĐBSCL là vùng trọng điểm ứng phó với BĐKH bởi có nhiều yếu tố dễ tổn thương. Bảo vệ ĐBSCL chính là bảo vệ một vựa lúa lớn nhằm đảm bảo an ninh lương thực, cần huy động cả nội lực và ngoại lực để ứng phó với BĐKH và thời tiết xấu. Do đó, cần phải thay đổi phương thức sản xuất sao cho giảm về sản lượng, nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo hoặc giảm diện tích đất lúa để thay vào những loại giống cây con khác phù hợp với điều kiện thiên nhiên tại đây, góp phần làm cân bằng sinh thái, giảm sự tác động vào tự nhiên...

Các nhà khoa học cũng đề nghị các địa phương, cơ quan chức năng khi đưa ra kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL cần lưu ý vấn đề đa dạng sinh học, đồng thời các địa phương cần nghiên cứu thống nhất dựa theo quy hoạch tổng thể chung của vùng, thông qua khôi phục khả năng trữ lũ và chức năng điều hòa lũ của vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên tại các vùng ven biển ĐBSCL.

Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp và hiện đại hóa hệ thống sản xuất nông nghiệp dựa vào hiện trạng lũ, tái tạo nguồn phù sa. Xây dựng các biện pháp kiểm soát và quy hoạch không gian đô thị, nông thôn để “dành chỗ cho nước”. Cần giảm khai thác nước ngầm, chống sụt lún đất. Kiểm soát dòng chảy nước ngọt và nước mặn tại các cửa sông nhằm ngăn chặn hiện tượng mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Tăng cường khai thác bền vững ngành nuôi trồng thủy sản ven biển, phục hồi vùng rừng ngập mặn ven biển và tăng cường trồng và khai thác các giống cây, thủy sản chịu mặn để phòng tránh triều cường, nước biển dâng. Bên cạnh đó, cần phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, tái tạo nguồn sinh cảnh tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học cho vùng ĐBSCL nhằm thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục