Ứng phó với biến động giá cả: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Thích nghi với “bão giá”

Xăng, điện, nước, gas đồng loạt tăng giá khiến giá của hàng loạt mặt hàng tiêu dùng trong nước tăng từ 10% - 15%. Người dân TPHCM đã ứng biến ra sao trước những biến động về giá cả của thị trường?

Thích nghi với “bão giá”

Chị Ngọc Minh, nhà ở đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh) bày tỏ: “Mấy ngày qua thực phẩm liên tục tăng giá, từ quả cà chua đến bó rau, lạng thịt. Là phụ nữ tôi phải tính toán làm sao để khai thác tối đa hiệu quả của mỗi khoản chi xài cho gia đình. Đi chợ, thay vì mỗi ngày mua 300g thịt chế biến cho 4 người ăn thì tôi mua luôn 1 kg, chia nhỏ làm 4 bữa trong tuần, tính ra mỗi tuần tiết kiệm được 200g thịt. Các loại tôm, cá, rau củ cứ đi chợ thấy món giá rẻ mà chất lượng đảm bảo thì mua, đành chấp nhận không chiều theo sở thích ăn uống của từng cá nhân nữa”.

Trong chế biến thức ăn, chị Minh cũng luôn chú ý sử dụng kích cỡ nồi phù hợp với lượng thức ăn cần nấu, sử dụng nguồn nước nóng sẵn có và đậy kín nắp nồi trong khi đun nấu để tiết kiệm gas. Đối với nồi cơm điện, chị cũng “bật mí” kinh nghiệm tiết kiệm điện của gia đình mình là chỉ nấu trước khi ăn từ 30 - 45 phút để hạn chế thời gian hâm nóng, thường xuyên lau chùi đáy nồi và mâm nhiệt để tiết kiệm lượng điện năng tiêu thụ.

Máy truyền hình, dàn máy không để ở chế độ chờ (stanby) thường xuyên như trước đây nữa. Các thiết bị quạt, đèn, máy nước nóng trong nhà chỉ sử dụng khi thật cần thiết. “Nhờ vậy mà tháng vừa rồi, tiền điện nhà tôi giảm hơn 10%”, chị Minh phấn khởi cho biết.

Đối với các bạn sinh viên sống xa nhà, trong thời buổi “thóc cao gạo kém”, việc tiết kiệm càng được xem là ưu tiên hàng đầu. Thanh Thảo, sinh viên năm thứ hai Trường ĐH KHXH-NV TPHCM chia sẻ kinh nghiệm thắt lưng buộc bụng của mình: “Trước đây tôi thường đi chợ vào buổi sáng, tranh thủ chế biến thức ăn trước khi vào lớp để trưa về phòng có cơm ăn ngay. Nhưng gần đây mọi thứ đều tăng giá, để tiết kiệm chi tiêu, tôi chọn cách đi chợ vào buổi chiều, chấp nhận mua những thực phẩm kém tươi, ngon hơn một chút nhưng giá rẻ, mua với số lượng nhiều ăn dần trong cả tuần”.

Như vậy, để thích nghi với các biến động giá cả của thị trường, mỗi người dân có một cách điều chỉnh chi tiêu khác nhau nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả tối đa trong mỗi khoản chi tiêu.

Tiết kiệm năng lượng

Việc tăng giá một mặt tạo thêm gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng nhưng mặt khác cũng góp phần tạo ra thói quen tiết kiệm trong chi tiêu, hạn chế tối đa các nhu cầu sử dụng năng lượng không cần thiết trong cộng đồng.

Với giá điện đang tính như hiện nay việc mua sắm và sử dụng các thiết bị điện gia dụng trong gia đình luôn được quan tâm hàng đầu. Đơn cử như với hệ thống chiếu sáng, các loại đèn chiếu sáng có hiệu suất cao như đèn compact, đèn huỳnh quang T5, T8 hiện nay được rất nhiều gia đình ưu tiên chọn lựa.

Riêng đối với các thiết bị tiêu thụ điện năng khác trong gia đình như quạt, bàn ủi, máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh…, hiện nay trên thị trường cũng đã xuất hiện những dòng sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Và các thiết bị loại này đang là mặt hàng được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM (EEC), cho biết: “Năm 2010 sẽ là năm trọng điểm thực hiện cuộc vận động “Hộ gia đình tiết kiệm năng lượng”. Những gia đình đạt mức tiêu thụ điện năng giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, có kiến thức về mua sắm và sử dụng tiết kiệm các thiết bị điện gia dụng trong nhà sẽ được cấp giấy chứng nhận gia đình mẫu về tiết kiệm năng lượng”.

Ngoài ra, tất cả những thắc mắc liên quan đến vấn đề sử dụng và tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt và sản xuất, người dân có thể gửi câu hỏi về địa chỉ e-mail ecc-hcmc@hcm.vnn.vn hoặc gọi điện thoại đến số (08). 39322372 để được tư vấn miễn phí.

Thu Tâm

Tin cùng chuyên mục