Ứng phó với ngập nước

Trong mấy ngày đầu tháng 9, sau một đợt nắng nóng kéo dài, trong vài ngày mưa lớn, nhiều địa phương như TPHCM, Hà Nội, Biên Hòa… đã bị ngập nặng. Hôm qua, sau trận mưa quá lớn, toàn thành phố gần như chìm trong “biển nước”.

Trong mấy ngày đầu tháng 9, sau một đợt nắng nóng kéo dài, trong vài ngày mưa lớn, nhiều địa phương như TPHCM, Hà Nội, Biên Hòa… đã bị ngập nặng. Hôm qua, sau trận mưa quá lớn, toàn thành phố gần như chìm trong “biển nước”.

Cơn mưa ngay buổi chiều khiến hàng ngàn người sau giờ làm, đón con đi học về phải kẹt giữa đường, lội nước bì bõm. Nguy cơ ngập nặng ở các đô thị lớn đang trở thành hiện thực khi biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Thậm chí còn xuất hiện những yếu tố bất thường khi ngập xảy ra cả vào thời điểm không phải có bão, mưa rất lớn đột ngột hoặc liên tục.

Thực tế này có thể đặt ra một số vấn đề, chẳng hạn, phải chăng nền đất ở một số địa phương đang thấp đi (bị lún) nên dễ ngập và ngập nặng hơn? Phải chăng nước sông, rạch, kênh ở một số nơi bị bồi đắp quá nhiều nên cạn đi hoặc lượng nước ở đây nhiều hơn khiến việc thoát nước trở nên khó khăn, dẫn đến ngập nặng? Phải chăng hệ thống thoát nước (các cống và cửa xả) bị nghẽn hoặc trở nên quá tải khiến việc thoát nước chậm hơn và gây ngập?... Có thể các câu hỏi này đều thực sự là “vấn đề” khiến tình hình úng ngập ở một số nơi, nhất là các đô thị, trở nên trầm trọng.

Trong việc chống ngập, không riêng gì TPHCM, mà ở các địa phương khác cũng vậy, phải xử lý đồng bộ, đi từ gốc. Việc giải quyết phần ngọn hiện nay là cứ nâng cao mặt đường ở khu vực bị ngập, dĩ nhiên trước mắt nơi đó sẽ không còn ngập nhưng sẽ chuyển chỗ ngập sang vị trí khác. Nếu giải quyết đồng bộ theo kiểu này (giả sử thực hiện được) là đồng loạt nâng cốt nền và tiến hành nâng thực sự thì cũng chỉ tránh ngập được một thời gian ngắn, do đó sẽ không hiệu quả.

Vấn đề chủ yếu là phải đồng bộ ở khâu nâng cao nền, thoát nước, có chỗ chứa nước và điều tiết được mực nước. Nâng cao nền cần thực hiện ở những khu vực trũng thấp để không biến nơi đó thành “túi nước”, nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Phải làm sao giúp nước thoát nhanh, đó là phải có hệ thống cống đủ rộng, đủ dài và không bị tắc nghẽn ở bất kỳ điểm nào. Nhưng nước thoát nhanh mà không có nơi chứa nước thì các cống sẽ bị ứ, do đó, hệ thống kênh, rạch, sông phải được nạo vét thường xuyên, không bị lấn chiếm, bồi lấp, ngăn cản dòng chảy và các cửa xả phải được vệ sinh, sửa chữa thường xuyên. Bên cạnh đó, việc điều tiết mực nước cục bộ ở một số khu vực có thể thực hiện bằng biện pháp bơm thoát nước với nơi có lượng nước quá nhiều mà thoát bình thường không giải quyết được, đồng thời sử dụng các cửa ngăn để ngăn nước triều từ sông rạch tràn vào các cống hoặc hạn chế nước từ nơi này tràn vào khu vực khác.

Trong việc giải quyết vấn đề ngập, bên cạnh sử dụng các biện pháp kỹ thuật, như thiết kế các hệ thống tiêu, xả, ngăn chặn…, xây dựng các công trình phục vụ yêu cầu đó và tiến hành hoạt động nạo vét, bảo vệ dòng chảy tự nhiên hoặc tạo dòng chảy mới hợp lý hơn… thì vấn đề rất quan trọng là phải nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia chống ngập. Đó là phải vận động người dân hạn chế các hành vi có thể gây hạn chế dòng chảy, như xây dựng lấn chiếm kênh rạch, làm bít các cửa xả, bỏ rác thải xuống các miệng cống… Đồng thời, cần có những biện pháp chế tài nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Sắp tới đây, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ngập nước sẽ còn gay gắt hơn, nhất là do triều cường, điều xảy ra ngày càng nghiêm trọng ở các khu vực ven biển hoặc gần các cửa sông. Sự ứng phó đối với hiện tượng này theo cách hiện nay cần được báo động thực sự, phải có hành động thực sự, quyết liệt, cụ thể, khẩn trương và có hiệu quả chứ không phải chỉ kêu gọi suông. Chỉ khi Nhà nước thực sự coi trọng công tác này và có những biện pháp phù hợp thì mới thúc đẩy người dân tự nâng cao hiểu biết và có những hoạt động tích cực nhằm phòng chống ngập nước có hiệu quả.

TRỊNH MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục