Ứng phó với rủi ro thiên tai

1,5% GDP là con số thiệt hại kinh tế của Việt Nam do hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra - đó là khẳng định mới nhất do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố. Điều đáng nói là con số này sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt và các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. 

Thiên tai ngày càng khắc nghiệt

Nghiên cứu của tổ chức Business Social Responsibity (BSR) đã chỉ ra, Việt Nam sẽ phải hứng chịu hơn 20 loại hình thiên tai, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn và xói lở bờ biển. Điều này sẽ đặt các DN ở Việt Nam trước những rủi ro khó lường. Đơn cử, trong lĩnh vực nông nghiệp, tình trạng ngập mặn và lũ lụt có thể làm giảm 13% năng suất lúa ở ĐBSCL vào năm 2050; tác động trực tiếp đến các DN ở TPHCM và ĐBSCL - nơi đóng góp 56% giá trị sản xuất công nghiệp quốc gia. 

Báo cáo nghiên cứu trên cũng cho thấy, đến năm 2030, TPHCM sẽ phải đối mặt với nhiều đợt nắng nóng khắc nghiệt, làm giảm năng suất lao động trong các lĩnh vực từ nông nghiệp, xây dựng đến logictics. Đặc biệt là hiện tượng 10 năm có một - TPHCM sẽ phải trải qua hơn 60 ngày có nhiệt độ tối đa hàng ngày vượt 350C. Trong khi đó, ở Hà Nội có thể hứng chịu lượng mưa lớn (tăng 150%), gây sức ép lên hệ thống nước thải đô thị, hạ tầng giao thông. 

Ứng phó với rủi ro thiên tai ảnh 1 Thi công bờ kè chống ngập, sạt lở trên kênh Tẻ phía quận 7, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Ở góc độ doanh nghiệp, BĐKH cũng sẽ làm tăng tình trạng gián đoạn sản xuất kinh doanh, giảm năng suất lao động, giảm doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất kinh doanh, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiếu cơ sở vật chất, thiếu hụt nhân lực, thiếu nguồn cung nguyên vật liệu. 

Chủ động ứng phó

Nhiều ý kiến cho rằng, để xây dựng khả năng chống chịu, DN nên đánh giá các rủi ro trong chuỗi hoạt động, chuỗi cung ứng và cộng đồng nơi họ làm việc. Bằng cách đánh giá rủi ro trong chuỗi giá trị của mình, DN có thể hướng tới việc đảm bảo các hoạt động trực tiếp được duy trì, khôi phục hoặc cải thiện. Đồng thời có thể thiết lập các biện pháp để giảm rủi ro khí hậu. 

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam, cho biết, công ty đã lên kế hoạch chi tiết, cụ thể cho việc phát triển xanh, thích ứng với BĐKH. Theo đó, công ty đã chuyển đổi khoảng 98% bóng đèn huỳnh quang (28W) sang bóng đèn Led (18W) - thay đổi này giúp công ty mỗi năm tiết kiệm được 540 kWh điện, giảm 493 tấn CO2 khí phát thải ra môi trường. Đồng thời, công ty cũng đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng mặt trời góp phần giảm tác động đến môi trường, tiết kiệm nhiều chi phí cho DN. Với tổng 30.000m2 diện tích điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) công suất 5 MWP tạo ra lượng điện 455.000 kWh/tháng. Đặc biệt, 96% máy may chuyển sang bán tự động đã giúp tiết kiệm điện 323.000 kWh/năm, giảm 295 tấn CO2 khí phát thải. Rác thải phát sinh trong quá trình sản xuất đã được công ty xử lý khép kín. Hiện tại, nhà máy đã ký hợp đồng với INSEE để chuyển hướng chôn lấp sang đốt rác thu hồi năng lượng. 

Đại diện Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, theo khảo sát của VCCI, các DN Việt Nam sẵn sàng đầu tư để cải thiện mức độ tuân thủ về môi trường. Trung bình các DN chi trả tới 7,32% chi phí hoạt động cho sản xuất thân thiện hơn với môi trường. Để thúc đẩy các DN gia tăng đầu tư thân thiện hơn với môi trường thì vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Chính quyền địa phương cần tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi để các DN an tâm đầu tư. 

Song song đó là tạo thuận lợi cho các DN trong việc tận dụng các cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia ngày một sâu rộng các hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn về môi trường. 

Để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra ở góc độ DN, Th.S Nguyễn Thị Truyền, Trường Đại học TN-MT TPHCM, cho rằng, các DN cần chủ động thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển xanh,  bền vững. Để phát triển xanh và bền vững, DN cần nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia; đổi mới công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh.

Tin cùng chuyên mục