Với tỷ lệ người mắc và tử vong ngày càng cao, ung thư đại - trực tràng đang là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu hiện nay. Thông tin này đã được các chuyên gia khuyến cáo tại hội thảo Phòng chống ung thư do Hội Ung thư Việt Nam cùng với Hội Ung thư TPHCM và Bệnh viện Ung bướu TP vừa tổ chức tại TPHCM. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có trên 7.150 ca mới mắc và gần 5.000 ca tử vong do ung thư đại - trực tràng.
Khốn khổ… bộ đồ lòng
|
Vừa xuất viện được một tuần, anh T.T.Ph. (52 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) lại nhập viện để cắt tiếp một đoạn ruột già. Cách nay 3 tháng, anh Ph. khởi phát bệnh với biểu hiện đau vùng bụng dưới, ăn uống không tiêu, đại tiện ra máu tươi… “Khi đi khám, nghi ngờ bị ung thư đại tràng nên bác sĩ cho nội soi, sinh thiết. Ai dè mắc phải bệnh nan y”, anh Ph. ngán ngẩm. Sau khi phát hiện bị ung thư giai đoạn 1, anh Ph. được chỉ định cắt một đoạn ruột và cho xạ trị để cứu vãn. Tuy nhiên, phần ruột già còn lại tiếp tục bị bệnh và phải cắt tiếp… Theo một bác sĩ điều trị Bệnh viện Ung bướu TPHCM, trường hợp như anh Ph. không phải hiếm mà gần như thường xuyên bệnh viện tiếp nhận. “Ung thư đại - trực tràng là một trong 3 loại ung thư thường gặp nhất tính trên toàn thế giới”, BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, nhìn nhận. Theo số liệu hàng năm của Hội Ung thư Việt Nam, ung thư đại - trực tràng là loại ung thư đứng hàng tốp đầu của các loại ung thư, kể cả ở nam và nữ. Hàng năm có khoảng gần 50.000 trường hợp tử vong do ung thư đại - trực tràng giai đoạn cuối và di căn mà không thể cứu vãn được.
Theo các chuyên gia ung bướu, ung thư đại - trực tràng là ung thư phát khởi nguyên thủy từ ruột già, là phần cuối cùng của ống tiêu hóa. “Đại tràng chia thành 4 đoạn. Ung thư có thể khởi phát từ bất cứ đoạn nào trên đại tràng hoặc trực tràng. Ung thư xuất phát từ lớp trong cùng của thành ruột (niêm mạc đại trực tràng) sau đó xâm lấn ra ngoài các lớp khác của thành ruột”, BS Bùi Chí Viết, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, đánh giá. Ung thư ở mỗi vị trí trên khung đại trực tràng sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau, thông thường nhất là có máu trong phân. Trong đa số các trường hợp ung thư đại - trực tràng phát triển âm thầm trong nhiều năm. Với thiết bị cận lâm sàng như siêu âm, nội soi hay sinh thiết có thể biết sớm ung thư khởi đầu bằng một tổn thương gọi là polyp. Tuy nhiên, các chuyên gia ung bướu cho rằng, ngay những biểu hiện không bình thường của hệ thống tiêu hóa cũng có thể đặt ra những nghi ngờ về ung thư đại - trực tràng như thường xuyên chướng bụng là một trong những triệu chứng thường gặp nhất của rối loạn tiêu hóa; bụng bị đau vùng trên rốn (thượng vị) với biểu hiện đau âm ỉ kèm ợ chua là triệu chứng của bệnh dạ dày; chán ăn, khó tiêu; rối loạn thói quen đại tiện; đại tiện ra máu…
Tầm soát sớm
Cắt bỏ polyp là cách phòng ngừa ung thư đại - trực tràng hữu hiệu nhất mà các chuyên gia ung bướu khuyến cáo. Thế nhưng, để phát hiện sớm và cắt bỏ là một trong những vấn đề không phải bệnh nhân nào cũng ý thức được. Theo GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, trên 40% các loại ung thư (kể cả ung thư đại - trực tràng) đều có thể điều trị thành công nếu phát hiện sớm. Điều này đòi hỏi người bệnh cần nhận biết và tầm soát sớm các biểu hiện của bệnh. Cụ thể là cần nhận biết các yếu tố nguy cơ có thể phát sinh ung thư đại - trực tràng như có tiền sử polyp đại trực tràng, có vài loại polyp làm tăng nguy cơ bị ung thư đại - trực tràng, nhất là polyp có kích thước lớn hoặc có nhiều polyp; có tiền sử mắc bệnh đường ruột; tiền sử gia đình, có người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư đại - trực tràng, nhất là thân nhân có quan hệ huyết thống gần thì nguy cơ mắc bệnh tăng cao; khẩu phần ăn, thức ăn chứa nhiều mỡ, nhất là mỡ động vật làm tăng nguy cơ mắc bệnh; thiếu vận động; béo phì; hút thuốc lá; uống rượu nhiều…
Theo BS Lê Hoàng Minh, với y học hiện đại, một số xét nghiệm có giá trị phát hiện bệnh ung thư đại - trực tràng như các test tầm soát ung thư ở người không có triệu chứng là thử máu, nội soi trực tràng, X-quang đại tràng cản quang. Nhiều trường hợp, các xét nghiệm có thể tìm ra ung thư ở giai đoạn rất sớm và như vậy sẽ giúp làm tăng kết quả điều trị. Xét nghiệm còn có thể giúp phòng ngừa ung thư bằng cách cho phép thầy thuốc cắt bỏ polyp trước khi chúng trở thành ung thư. Mặt khác, việc phát hiện sớm giúp điều trị hiệu quả hơn. Tùy theo mức độ bệnh có thể phẫu thuật cắt bỏ bướu, hóa trị và xạ trị hỗ trợ. “Việc tầm soát ung thư đại - trực tràng nhằm phát hiện những tổn thương tiền ung thư, hay bệnh ở giai đoạn sớm sẽ mang đến cho người bệnh nhiều cơ hội chiến thắng với ung thư”, BS Lê Hoàng Minh nhìn nhận. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, bên cạnh việc tầm soát phát hiện sớm ung thư đại - trực tràng, cần chú trọng các cách thức phòng ngừa như thực hiện sử dụng khẩu phần ăn hợp lý, hạn chế các loại mỡ động vật, rượu bia và tập thể dục đều đặn…
TƯỜNG LÂM