Mấy tuần qua, ĐBSCL rộ lên tin đồn ăn cá rô đầu vuông bị ung thư. Nhiều thương lái cũng không dám lấy hàng vì sức tiêu thụ giảm. Bạn hàng ở các chợ ngồi cả ngày cũng chỉ bán được vài con, mặc dù giá cá đã giảm 27.000 - 28.000 đồng/kg xuống còn 17.000 đồng/kg.
Ngay từ đầu tháng 3, khi chưa xuất hiện tin đồn kiểu này, ở ĐBSCL, người nuôi cũng đã thua lỗ vì giá cá giảm từ 40.000 xuống còn 20.000 đồng/kg. Người nuôi cá đang phải khốn đốn vì thị trường tiêu thụ kém, giá cả bấp bênh như trên, lại xuất hiện tin đồn thất thiệt, khiến họ thêm điêu đứng, dù các nhà khoa học đã khẳng định đây là tin bịa đặt. Lâu nay, cá rô đầu vuông đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hậu Giang đăng ký thương hiệu; lợi nhuận từ nuôi loại cá này rất lớn, nhất là khi cá rô đầu vuông của Việt Nam được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng.
Tin đồn thất thiệt “ăn cá rô đầu vuông bị ung thư” nhắc mọi người nhớ đến những câu chuyện tương tự. Thời gian qua đã từng xảy ra nhiều vụ tin đồn thất thiệt, gây thất thoát hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng cho nông dân và doanh nghiệp. Trước đây, ở Tiền Giang cũng rộ tin đồn ăn sầu riêng, hoặc ăn bưởi bị ung thư khiến hàng ngàn nhà vườn điêu đứng vì bán không ai mua, vì thế vườn bưởi một thời gian dài bị bỏ hoang. Hay chỉ mới cuối năm 2010, ngư dân Cà Mau rơi vào tình trạng dở cười dở khóc vì con cá kèo vô tội cũng bị vướng vào tin đồn “ăn cá kèo bị ung thư”.
Sau đó tin đồn lan rộng khắp tỉnh Bạc Liêu, nhanh chóng lan sang các tỉnh, thành lân cận khiến loại cá này ế ẩm và rớt giá thê thảm. Giá cá kèo đang bán cho thương lái ở mức 70.000 - 80.000 đồng/kg, sau khi có tin đồn rớt xuống còn 40.000 đồng/kg mà không có người mua. Sau đó các cơ quan chức năng phải vào cuộc, kiểm tra thông tin và giải thích rõ cho người dân thì mới cứu được hàng ngàn hộ nuôi cá khỏi phải đổ nợ.
Không chỉ tin đồn trong lĩnh vực sản xuất, thị trường hàng hóa, tiền tệ, thậm chí là chuyện cướp bóc, chặt tay lấy vàng… cũng đã từng rộ lên ở nhiều địa phương, gây hoang mang cho người dân. Nghe tin đồn xăng dầu sẽ tăng giá, người dân một số địa phương đổ xô đến các cửa hàng xăng dầu để mua. Nhiều người còn tranh thủ đưa can, thùng mua xăng dự trữ… Trước đó, có tin đồn thiếu gạo khiến mọi người đổ xô đi mua tích trữ. Có thể thấy tin đồn thường nhằm vào những lĩnh vực và mặt hàng nhạy cảm hay thiết yếu và xuất hiện ở những thời điểm nhạy cảm - gắn với những biến động lớn trong nền kinh tế trong nước hoặc thế giới. Ngoài ra, nó cũng xuất hiện khi chính sách không đồng bộ, hiệu quả, có sự thay đổi bất ngờ, người dân thiếu hay nhận được thông tin không chính xác.
Theo Thạc sĩ Trần Minh Đức (ĐH Quốc gia TPHCM), để xử lý tốt các tin đồn thất thiệt, cần tạo sự minh bạch và nhất quán trong việc ban hành chủ trương và thực thi chính sách. Điều quan trọng, phải duy trì được niềm tin của người dân đối với nó. Nếu không, người dân không tránh khỏi bị “ung thư” với tin đồn. Không những thế việc xử lý tin đồn thất thiệt nói riêng và việc ban hành các chính sách khác để điều tiết đời sống kinh tế - xã hội sẽ không phát huy được tác dụng như mong muốn.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế tiếp cận, phản ứng hiệu quả khi có tin đồn thất thiệt. Cần tạo lập hệ thống thông tin hiệu quả đến người dân với nhiều hình thức đa dạng để họ được quyền thường xuyên tiếp nhận thông tin đầy đủ, chính xác và không bị bất ngờ từ các cơ quan chức năng. Khi đó, các tin đồn thất thiệt sẽ không dễ lan truyền, tác động tiêu cực đến xã hội. Mặt khác, phải có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn và xử lý những kẻ phao tin đồn thất thiệt.
T.M.TRƯỜNG