Ứng xử văn hóa khi đi nước ngoài

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người Việt Nam du lịch nước ngoài, nhất là du lịch các nước trong khu vực - do giá tour không quá cao so với giá tour trong nước. Cùng với số người ra nước ngoài để công tác, học tập, xuất khẩu lao động, cũng có những người ra nước ngoài tranh thủ mua bán hàng xách tay, làm lao động giản đơn trái phép để kiếm thu nhập, thậm chí có những phụ nữ ra nước ngoài hành nghề mại dâm. Trong bối cảnh đó, đã phát sinh nhiều chuyện đáng buồn và đáng trách vì không ít người ra nước ngoài khi chưa trang bị đầy đủ cho mình văn hóa giao tiếp, ứng xử.

Nhiều người nước ngoài đã phải lộ vẻ khó chịu khi trên máy bay có những nhóm người Việt Nam nói chuyện lớn tiếng, cười giỡn ồn ào như khi... đi đò máy ở quê nhà. Thói quen ăn nhậu cười đùa lớn tiếng, thậm chí hò hét “Dô! Dô!” cũng cứ diễn ra khi vào nhà hàng ở nước ngoài, khiến cư dân bản xứ thấy bực bội. Ngoài ra, còn nhiều thói cư xử thiếu văn hóa nơi công cộng như khạc nhổ và xả rác bừa bãi nơi công cộng, chen lấn không xếp hàng, trốn vé tàu xe, bất lịch sự khi ăn uống, phá hỏng các trang bị của khách sạn, và cả tệ ăn cắp hàng hóa ở các siêu thị, đang gây tác hại nghiêm trọng, bôi xấu hình ảnh con người và đất nước Việt Nam.

Đó là hành vi của một số cá nhân thiếu ý thức và kém văn hóa, không tiêu biểu và không đại diện cho hình ảnh con người Việt Nam, nhưng tần suất sự việc liên tục và diễn ra ở nhiều nước, dần khiến người dân các nước định kiến, ác cảm. Đến nỗi ở nhiều nơi như nhà hàng, khách sạn, siêu thị một số nước niêm yết cảnh báo, răn đe bằng tiếng Việt.

Đó là những chuyện làm chúng ta thấy buồn và tổn thương. Để hạn chế tối đa những hành vi đáng xấu hổ của một số người Việt Nam khi ra nước ngoài, cần phân tích căn nguyên của tình trạng này. Cần phải thừa nhận những hành vi tệ hại khi ra nước ngoài không phải là bột phát, mà đó là do những thói quen xấu trong nước từ lâu được tiếp diễn khi ra nước ngoài. Nguyên nhân trước hết là tình trạng hụt hẫng trong giáo dục đạo đức và văn hóa ứng xử ở gia đình và học đường, trẻ em đã không được răn dạy cẩn trọng để dị ứng với các hành vi tham ăn, trộm vặt, ăn mặc và hành xử thiếu tư cách nơi công cộng. Trong khi đó, ngoài xã hội thì những vi phạm về văn hóa, trật tự, vệ sinh nơi công cộng dù đã có quy định pháp luật chế tài, nhưng lại không bị ai giám sát, xử lý, nên người ta cứ hút thuốc, xả rác, chen lấn, đánh nhau, gây ồn ào, xem thường luật lệ giao thông... Ngay cả hành vi trộm cắp mà giá trị tang vật chưa đến 2 triệu đồng cũng không bị xử lý pháp luật. Thế nên cái xấu cứ nhởn nhơ diễn ra, nhiều người bị tiêm nhiễm.

Bản lĩnh văn hóa phải được vun đắp, nuôi dưỡng thời gian dài, trong môi trường gia đình và xã hội lành mạnh. Do vậy, để chấn chỉnh được những thói xấu này, cần phải thực thi nghiêm các quy định pháp luật về văn hóa, trật tự, vệ sinh nơi công cộng. Mô hình tổ chức công an quản lý hành chính theo phường đã bộc lộ không còn phù hợp với yêu cầu quản lý đô thị. Nếu tổ chức mô hình cảnh sát tuần tra quản lý địa bàn, thì tất cả các hành vi hút thuốc, xả rác, chửi thề, đánh nhau, gây ồn ào nơi công cộng mới có thể bị xử lý ngay khi nhận được tin báo. Từ đó dần hình thành nền nếp ứng xử văn hóa, văn minh đô thị.

Chúng ta đang lấy ý kiến sửa đổi Bộ luật Hình sự, nên có điều luật quy định xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp ra nước ngoài có hành vi gây ảnh hưởng xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Các cơ quan, đơn vị của nhà nước phải kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cán bộ công chức có hành vi vi phạm về văn hóa, trật tự, vệ sinh nơi công cộng, nhất là khi đi công tác nước ngoài. Các đơn vị kinh doanh du lịch cũng phải có trách nhiệm trong việc hướng dẫn, nhắc nhở du khách tham gia tour về ý thức hành xử văn hóa, nền nếp văn minh đô thị khi ra nước ngoài.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục