Sáng 7-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ công bố điều chỉnh tỷ giá, từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD (mức điều chỉnh 1%). Trong thông báo chính thức về vấn đề này, NHNN cho biết thời gian qua ở thị trường trong nước, tỷ giá có xu hướng tăng. Qua phân tích cho thấy chủ yếu do yếu tố tâm lý và kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, để chủ động thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra cho năm 2015 và đối phó với các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, NHNN quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng thêm 1% từ ngày 7-5-2015. Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.890 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.456 VND/USD.
Trước đó, cuối giờ chiều ngày 6-5, sau 3 ngày tỷ giá VND/USD trên thị trường tăng liên tiếp, trao đổi với báo chí, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) đã lên tiếng khẳng định, tỷ giá tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý. Lý giải cho nhận định này, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho biết hệ thống tổ chức tín dụng vẫn đáp ứng tốt và đầy đủ nhu cầu ngoại tệ của khách hàng. Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng tăng gần gấp đôi so với mức trung bình các ngày trước đó, nhưng đều được đáp ứng đầy đủ và tỷ giá vẫn quanh mức 21.600 đồng/USD. Theo cách thông thường, thông điệp trên sẽ được hiểu rằng cơ quan điều hành sẽ tiếp tục giữ ổn định tỷ giá. Thế nhưng, giới truyền thông đã bị “việt vị” khi tỷ giá lại được điều chỉnh thêm 1% chỉ vào sáng ngày hôm sau.
Cũng cần nhắc lại rằng, NHNN định hướng điều hành tỷ giá tăng không quá 2% trong năm 2015 và đã điều chỉnh tăng 1% tỷ giá từ ngày 7-1 nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, phù hợp với diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế. Với lần điều chỉnh này, coi như cơ quan điều hành đã dùng hết “chỉ tiêu” cho phép. Đây rõ ràng là một quyết định không dễ dàng, và điều đó cũng cho thấy lý giải “tỷ giá tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý” không thật thuyết phục. Hồi cuối tháng 3-2015, khi tỷ giá trên thị trường biến động, NHNN và Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đã phải tính toán rất kỹ để đưa ra quyết định không điều chỉnh tỷ giá ở thời điểm đó. Trong thông báo đưa ra khi đó, NHNN cho rằng việc tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá sẽ có lợi nhiều hơn việc điều chỉnh. Tỷ giá bị kìm nén có thể tác động đến xuất khẩu, nhưng theo tính toán, cứ tăng khoảng 1% tỷ giá thì chi phí nợ công đội thêm khoảng 10.000 tỷ đồng.
Còn tại thời điểm này, tình hình đã có vẻ khác đi. Dù chưa có một sự suy giảm mang tính “nền tảng”, nhưng áp lực lên tỷ giá đã tăng lên. Từ đầu năm đến nay, thâm hụt thương mại đã lên tới 3,3 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2011. Trong một báo cáo bình luận về hành động điều chỉnh tỷ giá được đưa ra hôm qua (7-5), bộ phận nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Hồng Công - Thượng Hải (HSBC) cũng đưa ra một thông tin đáng chú ý. Đó là gần đây dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống do NHNN phải bán ra ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu USD cho nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng cao và một số dòng vốn rút lui. Bên cạnh đó, tỷ giá VND đã yếu đi so với đồng tiền của các nước cạnh tranh chính với Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu, như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, rupee của Sri Lanka, taka của Bangladesh, peso của Philippines, hay baht của Thái Lan.
Như vậy, việc điều chỉnh tỷ giá thêm 1% ở thời điểm này là hoàn toàn phù hợp, có thể được xem là một biện pháp chủ động của NHNN nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại và cải thiện cán cân thanh toán, chứ không phải là do áp lực từ yếu tố tâm lý. Nhưng điều đáng nói hơn là cách ứng xử với tỷ giá. Việc đưa ra định hướng điều hành tỷ giá ổn định với mức biến động không quá 2% là cách làm được NHNN áp dụng trong vài năm gần đây. Thông điệp về tỷ giá đã giúp các doanh nghiệp chủ động hoạch định hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh được những cú sốc về tỷ giá như năm 2011 (tỷ giá tăng tới 9,3%). Tuy nhiên, cũng không thể vì mức cam kết “cứng” 2% mà điều hành thiếu linh hoạt, có thể dẫn tới tình trạng “nén” tỷ giá thì hậu quả còn đáng lo hơn nhiều. Thị trường sẵn sàng thông cảm với cơ quan điều hành, bởi thực tế kinh tế thế giới hiện vẫn còn nhiều biến động khó lường. Hơn nữa, như lời một chuyên gia kinh tế bình luận: “Chừng nào còn chưa kiểm soát được kinh tế ngầm, kiểm soát thị trường tự do... thì việc điều hành tỷ giá còn phải chấp nhận những sai số, hoặc những khó khăn khó định rõ”. Điều mà thị trường cần là sự minh bạch trong điều hành, sự sòng phẳng mang tính thị trường hơn là những chỉ tiêu mang tính chính trị.
Trong một cuộc trao đổi gần đây về chính sách tiền tệ của Việt Nam, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, điều chỉnh tỷ giá định kỳ (preodic adjustment) sẽ giúp duy trì tính cạnh tranh. Đây là hoạt động mà ngân hàng trung ương ở các nước làm thường xuyên và đó là một chính sách mang lại tác dụng tích cực. “Tôi nghĩ việc điều chỉnh tỷ giá định kỳ là cần thiết bởi lạm phát của Việt Nam thường xuyên cao hơn so với các đối tác thương mại của mình. Nếu không điều chỉnh tỷ giá định kỳ sẽ dẫn đến việc Việt Nam bị mất dần đi tính cạnh tranh” - ông Sandeep Mahajan nói. Có lẽ, đây là một khuyến nghị cần được nghiên cứu để có cách ứng xử tốt nhất trong điều hành tỷ giá trong thời gian tới.
MINH GIANG