Ước mong một năm an lành

LTS:

LTS: Trong dịp xuân về, nhiều bạn đọc đã gửi thư đến Báo SGGP, gửi gắm nhiều điều mong mỏi, bày tỏ niềm kỳ vọng đất nước và nhân dân có một năm an lành, vững tin và vững bước đi tới tương lai. Xin trích giới thiệu một số ý kiến tâm huyết của bạn đọc.

* LÂM THAO (quận Tân Phú, TPHCM): Xây dựng nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường sinh thái

TPHCM là nơi khởi xướng nhiều chương trình dân sinh có ý nghĩa rất thiết thực, đầy tính nhân văn và có sức lan tỏa sâu rộng, đặc biệt là chương trình xóa đói giảm nghèo. Đến nay, đời sống nhân dân TPHCM đã được cải thiện rõ ràng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội được đầu tư phát triển, TP đã ngày càng hiện đại. Còn nhớ 20 năm trước, ngày 20-2-1995, trên trang nhất Báo SGGP đăng trang trọng toàn văn “Thư ngỏ gửi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ TPHCM” của Chủ tịch UBND TPHCM Trương Tấn Sang (nay là Chủ tịch nước). Trong bức thư ngỏ, thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ TPHCM, đồng chí kêu gọi: “Đồng bào, cán bộ, chiến sĩ toàn TP hãy hưởng ứng cuộc vận động giữ gìn đường phố sạch đẹp. Khẩu hiệu của chúng ta rất giản dị, dễ nhớ, dễ làm: Không xả rác”. Rất tiếc, qua 20 năm với biết bao đổi thay, nhưng “điều rất giản dị, dễ nhớ, dễ làm” là không xả rác như lời kêu gọi đó vẫn chưa làm được. Xả rác bừa bãi là tập quán xấu do dân trí thấp kém. Nay trình độ dân trí đâu còn thấp kém, nhưng vẫn chưa dứt nạn xả rác bừa bãi, đầy rẫy đường phố, khiến những người dân TPHCM có lòng tự trọng và khách nước ngoài phải lắc đầu ngán ngẩm.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, rất mong TPHCM cùng cả nước dồn sức xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chú trọng giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với xây dựng nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường sinh thái.

* NGUYỄN MINH ÚT (Long An): Cải thiện mức sống của nông dân

Năm nào cũng vậy, nông dân luôn phải đối mặt với điệp khúc “được mùa thì rớt giá”. Mặc dù nhiều năm gần đây, chính quyền đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân, nhưng những giải pháp chỉ mang tính tạm thời, thiếu ổn định như thu mua tạm trữ lúa, trông chờ xuất khẩu.

Mỗi vụ lúa, ĐBSCL thu hoạch trên dưới 10 triệu tấn thóc, nhưng nhà nước thu mua tạm trữ không quá 2 triệu tấn thóc (tương đương 1 triệu tấn gạo) số còn lại nông dân phải “tự bơi” trong biển giá của tư thương. Trông chờ vào xuất khẩu rất bấp bênh, vì phải phụ thuộc thị trường nhập gạo của nước ngoài và giá cả, thiếu sự chủ động của doanh nghiệp trong nước, đây là một quy trình ngược về xuất khẩu. Những giải pháp căn cơ và bền vững như thành lập các hợp tác xã kiểu mới (ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp (ở xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), hay vận động nông dân tham gia thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm…, hãy còn trong thời kỳ khảo nghiệm, chưa thể một sớm một chiều nhân rộng ra được.

Trong khi chờ đợi những giải pháp có hiệu quả lâu dài, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa từng địa phương và doanh nghiệp trong mối liên kết 4 nhà, trên cơ sở doanh nghiệp điều nghiên, khảo sát thị trường trong cũng như ngoài nước, chủ động kế hoạch thu mua giống lúa nào, số lượng bao nhiêu, giá cả như thế nào, để từ đó nông dân từng địa phương biết nên trồng giống lúa nào, ước tính hiệu quả kinh tế ra sao, từ đó mà đầu tư sản xuất đúng nhu cầu thị trường, không bị mất giá.

* VĂN THY HOÀNG (Phòng GD-ĐT Hội An, Quảng Nam): Mong một nền hành chính công hiện đại

Hội nghị lần thứ 10 BCH Trung ương khóa XI đã đề ra nhiệm vụ tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tinh giản biên chế không ngoài mục đích nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, phục vụ cho việc xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch và hiệu quả. Nếu tinh giảm biên chế mà chỉ tập trung cắt giảm bớt nhân sự thì cũng chưa đạt được hiệu quả mong muốn, cần phải tập trung thực hiện việc sắp xếp lại các cơ quan như thế nào cho tinh gọn, không chồng chéo nhiệm vụ, thay đổi việc tổ chức phân công, giao việc, chế độ tiền lương, thưởng cho cán bộ... mới đảm bảo hiệu quả cao. Bởi hiện nay, thực trạng ở không ít các cơ quan, cán bộ công chức có năng lực, giỏi chuyên môn không phải là hiếm nhưng đến cơ quan không có việc để làm hoặc công việc đó họ chỉ cần làm trong vòng 1 đến 2 giờ là xong.

Người dân rất mong lộ trình tinh giản biên chế đạt được hiệu quả cao, rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy ở các cơ quan; xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ... Qua đó, chúng ta có được một nền hành chính công hiện đại, phát huy được hết năng lực cán bộ công chức.

* PHAN TRỌNG HIỀN (quận Bình Thạnh, TPHCM): Kiên quyết bài trừ nạn tham nhũng

Tham nhũng là vấn nạn nhức nhối từ nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Việc thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt yêu cầu.

Về biện pháp thu hồi tài sản thất thoát do tham nhũng, Công ước năm 2003 về chống tham nhũng của Liên hiệp quốc (mà Việt Nam đã tham gia ký kết vào năm 2009) có quy định xử lý tội danh “làm giàu bất hợp pháp”. Theo đó, người bị tố cáo tham nhũng có trách nhiệm phải giải trình, tự chứng minh mình vô tội (không tham nhũng). Nếu không chứng minh được một cách rõ ràng, hợp lý (nguồn gốc số tài sản đang sở hữu), họ sẽ bị kết tội tham nhũng, bị pháp luật trừng trị và bị tịch thu toàn bộ số tài sản bất hợp pháp. Nếu làm được như vậy, tôi tin rằng tình trạng tham nhũng ở nước ta sẽ giảm đáng kể.

Tóm lại, không có tệ nạn nào ở trên đời là “bất trị”, nếu biết cách làm và quyết tâm làm.

Tin cùng chuyên mục