Ước vọng độc lập

Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng nhất đối với mọi dân tộc và quốc gia trên thế giới. Chính vì thế, không có gì lạ khi hầu hết các bản hiến pháp trên thế giới đều đặt chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở vị trí đầu tiên. Những quốc gia bị xâm chiếm một phần hay tất cả lãnh thổ từ các thế lực bên ngoài đều luôn có ước vọng lớn giành lại phần đất bị chiếm hay toàn bộ nền độc lập cho mình. Ước vọng rất chính đáng đó cũng không phải là ngoại lệ với nhân dân Palestine.

Nỗ lực mới nhất của Palestine kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận Nhà nước Palestine độc lập đang cho thấy có những tín hiệu lạc quan mới, cho dù đó chỉ mới là những tia sáng ở cuối đường hầm. Quốc hội Thụy Điển đang chuẩn bị thông qua nghị quyết công nhận Palestine độc lập, nhất là sau khi đảng trung tả Dân chủ xã hội giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 vừa qua, sau 8 năm cầm quyền của lực lượng bảo thủ.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết nước này sẽ công nhận Palestine độc lập. Mặc Mỹ chỉ trích, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom phát biểu trên truyền hình Russia Today khẳng định Washington không phải là người quyết định chính sách của Thụy Điển. Nếu Quốc hội Thụy Điển thông qua nghị quyết này, đây sẽ là thành viên đầu tiên trong Liên minh châu Âu công nhận Nhà nước Palestine độc lập.

Trong tuần này, Hạ viện Anh cũng sẽ biểu quyết về việc công nhận Nhà nước Palestine độc lập. Theo tờ Guardian, đa số nghị sĩ Công đảng đối lập cho biết sẽ bỏ phiếu ủng hộ các kiến nghị kêu gọi Chính phủ Anh công nhận Palestine là một nhà nước độc lập. Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ tự do và đảng Bảo thủ cầm quyền cũng nói sẽ bỏ phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, việc quyết định công nhận Nhà nước Palestine độc lập sẽ do Chính phủ Anh quyết định. Là một đồng minh thân cận của Mỹ, xem ra việc này khó đối với Anh.

Từ trước tới nay, quan điểm của Washington là họ chỉ công nhận Nhà nước Palestine độc lập sau khi Palestine và Israel đã đạt được các thỏa thuận song phương. Nan giải nằm ở chỗ Palestine và Israel chưa giải quyết được bất đồng về các khu định cư Do Thái trong lãnh thổ Palestine cũng như chủ quyền ở Đông Jerusalem. Anh từng bỏ phiếu trắng tại cuộc bỏ phiếu công nhận một Nhà nước Palestine độc lập ở Đại hội đồng Liên hiệp quốc vào năm 2012, theo đó nâng cấp quy chế của Palestine từ “quan sát viên thường trực” thành “nhà nước quan sát viên phi thành viên ”.

Theo nghị sĩ Grahame Morris thuộc Công đảng, một trong các thành viên nhóm xúc tiến bỏ phiếu ủng hộ Palestine độc lập: “Từ lâu cộng đồng quốc tế đã tàn nhẫn từ chối quyền này (độc lập) của người dân Palestine và làm như vậy đã cản trở việc thực hiện hòa bình và an ninh trong khu vực”. Hơn nữa, “quy chế nhà nước là quyền không thể chối bỏ của nhân dân Palestine, khi Nhà nước Palestine có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ hình thành, điều đó sẽ cứu vớt hy vọng về giải pháp hai nhà nước”.

Những vùng đất của Palestine bị Israel chiếm đóng từ năm 1967 là nỗi đau lớn mà người dân Palestine phải chịu đựng. Liên tục gần 50 năm qua, đã có biết bao nỗ lực bằng nhiều cách, từ ôn hòa cho đến chiến đấu vũ trang, nhân dân Palestine vẫn chưa giành lại độc lập cho mình. Thật khó có thể tưởng tượng rằng, trong thế kỷ 21 này vẫn có những đất nước với khát vọng độc lập rất chính đáng đã bị chối bỏ, như lời của Nghị sĩ Anh Morris.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục