Ươm mầm yêu thương

Môi trường tâm lý an toàn
Ươm mầm yêu thương

Lứa tuổi mầm non là giai đoạn trẻ bắt đầu thể hiện khả năng hiểu người khác qua cảm xúc. Vì thế việc tác động đến trẻ bằng những cảm xúc tiêu cực trở thành một vấn đề đáng ngại. Sau hàng loạt vụ hành hạ trẻ em ở các trường mầm non, phụ huynh bắt đầu quan tâm hơn đến việc chọn trường cho con và từ đó trường Mầm non Yêu Thương ra đời.

Môi trường tâm lý an toàn

Ông bà ta thường có câu “Thương cho roi cho vọt” ý muốn nói đến việc sử dụng phương pháp giáo dục nghiêm khắc để uốn nắn trẻ vào khuôn khổ. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, phương pháp này liệu có còn mang lại hiệu quả tuyệt đối. Chị Ngô Thị Tú Vi (quận 3) từng đau đầu vì bé gái 3 tuổi của mình cứ khóc lóc mỗi sáng không muốn đi học. Chị bực bội, la mắng thậm chí đánh bé nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Bình tĩnh lại, chị gặng hỏi con thì mới biết là do bé nhà chị ăn chậm, cô giáo hay la mắng, bắt phạt phải đi đổ cơm thừa hoặc bảo các bạn “lêu lêu” khi bé ăn chậm. Sau sự việc đó chị Vi lúng túng không biết có nên chuyển trường cho con hay không. Theo lời giới thiệu của một người bạn, chị tìm đến với Trường Mầm non Yêu Thương (220 đường Hai Bà Trưng, quận 1). Sau vài tháng chuyển con đến trường mới, chị Vi chia sẻ: “Bé nhà tôi giờ không chỉ thích đi học mà còn hoạt bát, tự tin hơn. Trước đây cũng có lúc tôi thấy bé chậm, dạy không nghe, càng la mắng bé càng im lặng không thấy có tiến bộ gì, bây giờ được các giáo viên chia sẻ tôi không còn gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con nữa, thấy cháu cũng chịu chia sẻ với mẹ và tiếp thu tốt hơn”.

Được thành lập từ tháng 12 năm 2012 dựa trên lý thuyết Gắn bó mẹ con (attachment) của nhà Tâm lý học John Bowbly, Trường Mầm non Yêu Thương là mô hình dành cho những bé có ba mẹ mong muốn con mình được nuôi dạy theo phương pháp tâm lý nhẹ nhàng chứ không phải kỷ luật nghiêm khắc. Phương pháp  Gắn bó mẹ con cho rằng việc hàng ngày được cảm nhận sự yêu thương trìu mến sẽ giúp bé cảm thấy ấm áp và an toàn, điều đó để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng con trẻ và nhờ đó mà nuôi dưỡng những cảm xúc tốt đẹp và tình yêu thương, giúp bé tự tin thoải mái để vui chơi và phát triển bản thân. Dựa trên những nghiên cứu tâm lý từ thực tiễn, Trường Mầm non Yêu Thương hoạt động dựa trên tiêu chí giáo viên luôn chăm sóc bé bằng sự yêu thương trìu mến, theo dõi và ghi nhận khả năng và sự tiếp thu của trẻ trong các hoạt động để tương tác tốt với phụ huynh, nghiêm cấm mọi hành vi quát mắng, làm đau trẻ.  Chuyện ăn ở trường cũng theo hướng để trẻ tự nguyện và vui vẻ. Chính vì vậy, một ngày có 3 bữa ăn thì trẻ thường có 1 hay 2 lần sẽ ăn được nhiều, còn lại là ít, hay có khi cả ngày ăn ít, vài hôm sau lại ăn khá hơn. Nếu chúng ta cùng tôn trọng “cái bao tử” và “tâm tư” của trẻ thì nó sẽ diễn ra đúng như vậy. Trường hợp ở một số trẻ không hào hứng ăn mà bụng thực sự chưa có bao nhiêu, cô sẽ ráng “dụ dỗ” hoặc thay đổi món ăn, nhưng vẫn trên tinh thần là trẻ chịu hợp tác.

Các bé Trường Mầm non Yêu Thương khám phá nông trại

Gia đình đồng hành cùng nhà trường

Không chỉ xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh tràn ngập tình yêu thương, Ths Tâm lý học Nguyễn Ngọc Trinh - người sáng lập Trường Mầm non Yêu Thương còn mong muốn giải quyết những vấn đề ở các gia đình và tạo sự thống nhất ngày càng cao hơn trong việc nuôi dưỡng trẻ qua các buổi hội thảo, chuyên đề, chia sẻ giữa các chuyên gia và phụ huynh. Suốt một ngày ở trường, bé cảm thấy được thoải mái, gần gũi, tự do và tự tin chơi đùa, bé không phải dè chừng, sợ sệt, cảm thấy bị ép buộc điều gì. Nhờ đó góp phần hình thành nên một nhân cách tốt đẹp, sự tự tin, tự trọng, biết tôn trọng và hình thành tình cảm yêu thương chân thành. Điều này chỉ trở thành sự thật khi mà chính trong gia đình bé cũng được  hưởng những điều này. Ths.Nguyễn Ngọc Trinh cho biết: “Ở trường chúng tôi, mỗi giáo viên đều phải là người yêu trẻ, bên cạnh đó chúng tôi luôn có những nguyên tắc và quy định để giữ cho trường luôn là môi trường tràn đầy tình yêu thương. Và tất nhiên, chúng tôi mong muốn khi về nhà trẻ cũng sẽ được giáo dục bằng những phương pháp không có bóng dáng của roi vọt, của tiếng rầy la như thế. Tôi rất vui sau những lần trao đổi, thuyết phục, có những phụ huynh dần nhận ra và có những biến chuyển tích cực, không đánh đòn, la mắng bé mà bình tĩnh lắng nghe, chia sẻ với con nhiều hơn”. Ngay cả việc ăn hoặc các hoạt động vận động thể lực tưởng chừng chỉ là chuyện nhỏ nhưng lại có rất nhiều phụ huynh hiểu sai hoặc làm sai phương pháp. Ví dụ như thói quen cho trẻ ăn khi đang xem ti vi, hoặc nhiều phụ huynh chỉ cho con chơi trong nhà hoặc không cho trẻ vui chơi các trò chơi vận động với bạn bè ... Tất cả những vấn đề này đều là chủ đề của các buổi gặp gỡ với phụ huynh, các buổi trò chuyện chuyên đề để trao đổi về phương pháp và tầm quan trọng cũng như những lưu ý đặc biệt đối với từng trẻ. 

Với mong muốn góp phần thay đổi nhận thức của các bậc phu huynh về phương pháp nuôi dạy con Trường Mầm non Yêu Thương đang liên kết với nhiều tổ chức nhằm nhân rộng các buổi trò chuyện, trao đổi thành các hội thảo chuyên đề với quy mô mở rộng bên ngoài trường học.

NHƯ Ý

Tin cùng chuyên mục