Mùa nắng nóng, cho con uống nhiều loại nước giải khát làm mát và uống thuốc bổ sung vitamin C nhưng vẫn không khỏe, anh Nguyễn Thanh Hòa (ở quận Tân Phú, TPHCM) đành phải chở con đi bệnh viện.
Bác sĩ khám bệnh mới biết cơ thể cháu “hạ nhiệt” do uống nhiều nước làm mát. Thật vậy, con anh cho biết mỗi ngày khi đi học, cháu uống rất nhiều nước mía, nước sâm, khi về nhà lại được uống thêm nước dừa, nước cam. Anh Lương Hoàng Vinh (ở quận 1, TPHCM) cũng kể trường hợp tương tự: “Thấy con nổi đầy mụn nước, lo cháu bị bệnh trái rạ, tôi lập tức chở con đi khám bệnh thì được bác sĩ cho biết chỉ là nổi mụn nước bình thường do cơ thể “quá mát” khi uống nhiều nước giải nhiệt”.
Trả lời thắc mắc của bạn đọc về việc này, bác sĩ Lê Hùng, Chủ tịch Hội Đông y TPHCM, cho hay: Thời tiết nóng uống nước làm từ dược thảo như mía lau, râu bắp, rễ tranh… làm mát cơ thể rất tốt, nhưng chỉ nên uống vừa phải. Những người thể trạng yếu, sợ lạnh (tạng hàn), vào mùa nắng nóng cơ thể có cảm giác nóng, nhưng khi uống nhiều loại nước làm mát trong một ngày và thời gian dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi do mất nước và các chất điện giải, thậm chí còn bị chuột rút nữa.
Nhìn chung, không uống quá nhiều nước làm mát trong một ngày và có quá nhiều đá lạnh. Uống nước đun sôi để nguội là tốt cho cơ thể, vào mùa nắng nóng phải uống nhiều nước hơn, để bù lượng nước đã mất qua mồ hôi, hơi thở... Người làm việc dưới trời nắng nóng, khiến mồ hôi nhiều, làm cơ thể mệt mỏi suy nhược do vừa mất nước vừa mất thêm các chất muối và chất điện giải. Những trường hợp này nên pha thêm một chút muối vào 1 hoặc 2 lít nước để uống. Sử dụng nước sâm bán ngoài đường rất khó đảm bảo được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, do chúng ta chẳng thể biết được người bán nấu loại dược thảo gì, nước mát ngọt tự nhiên do dược thảo hay sử dụng nhiều đường, vì nhiều đường cũng không tốt và đôi khi còn gây bệnh. Ngoài ra nếu không hợp vệ sinh hay nước nấu để quá lâu, ôi thiu, có thể gây ra nhiễm trùng hay ngộ độc.
THANH HẢI