Ưu đãi cổ phiếu “nhà”

Nhằm đẩy giá CP của mình nên một số CTCK đã đưa ra những ưu đãi đặc biệt trong sử dụng đòn bẩy tài chính. Thoạt nhìn đây là biện pháp cả CTCK lẫn NĐT đều có lợi, nhưng thực chất không như vậy.

Nhằm đẩy giá CP của mình nên một số CTCK đã đưa ra những ưu đãi đặc biệt trong sử dụng đòn bẩy tài chính. Thoạt nhìn đây là biện pháp cả CTCK lẫn NĐT đều có lợi, nhưng thực chất không như vậy.

  • Nhất cử lưỡng tiện

Gần đây, CP của CTCK thuộc một ngân hàng lớn liên tục tăng trần, bất chấp diễn biến lình xình của thị trường chung. Có nhiều nguyên nhân lý giải, nào là CP này đã về sát khu vực 1.0, có “đội lái” đang đánh lên, và CTCK đã cho NĐT sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ 9:1. CTCK vừa nêu không phải là trường hợp cá biệt, một số CTCK hàng đầu khác cũng sẵn sàng cấp đòn bẩy hết cỡ cho NĐT mua CP của chính CTCK đó.

Nhưng điểm quan trọng nhất chính là CTCK ưu đãi cho NĐT không phải chịu áp lực giải chấp khi CP giảm giá. Có CTCK cho phép CP giảm 20% NĐT không cần bán ra thậm chí có CTCK còn dự định cho NĐT giữ trong dài hạn bất kể giá CP có giảm cỡ nào đi nữa.

Trong điều kiện thị trường lình xình như hiện nay, chính sách ưu đãi cho NĐT đánh CP “nhà” đã giúp cho CTCK đảm bảo nguồn thu từ phí giao dịch. Bên cạnh đó, cho NĐT vay tiền đánh CP của chính mình cũng giúp CTCK hạn chế được những rủi ro không đáng có. Được ưu đãi không phải chịu áp lực giải chấp cũng khiến cho NĐT cảm thấy chắc ăn khi mua CP và tất nhiên một tỷ lệ đòn bẩy lớn cũng giúp cho những NĐT “tiền ít thích thịt nhiều” được thỏa mãn.

Trong trường hợp này, NĐT sẽ có cảm giác mình được nắm đằng chuôi vì không bị ép bán còn CTCK cũng không bị mang tiếng là bắt chẹt khách hàng. Nói cách khác, với những CP dạng này, NĐT sẽ  thấy rằng cửa thắng và cửa hòa lớn hơn cửa lỗ rất nhiều. Vấn đề ở chỗ làm gì có chuyện CP vừa ít rủi ro lại vừa có khả năng đem lại lợi nhuận lớn.

  • Thuốc độc bọc đường

Với dịch vụ này, những NĐT nào được sử dụng sớm nhất sẽ có cơ hội chốt lời với tỷ lệ cao nhất, và càng nhiều người sử dụng CP càng tăng cao. CP cho dù nóng đến đâu cũng phải có điểm dừng và điều chỉnh giảm. Câu hỏi đặt ra là số phận của những NĐT mua CP khi gần đến đỉnh sẽ như thế nào? Như đã nói ở trên, vì CTCK ưu đãi cho NĐT trong việc giải chấp nên NĐT không quá lo lắng đến mức độ phải bán tháo và chịu thiệt hại. Nhưng nếu sau đó CP cứ mãi đi ngang, không thể tăng lại, NĐT dù không bị ép bán cũng phải bán để xoay vòng vốn. Nói cách khác, CTCK thay vì “siết cổ” NĐT ngay lập tức, đã để cho  họ, “chết từ từ”.

Với “chiêu” này, nếu muốn, cổ đông lớn của các CTCK cũng có thể áp dụng để xả hàng một cách dễ dàng. Thí dụ: CP A tăng giá từ 0.8 lên 1.2 và được đồn là có khả năng lên 1.5, NĐT X bỏ ra 2.000 đồng/CP và CTCK A cho vay 10.000 đồng/CP để mua vào.

Vài ngày sau, cổ đông lớn đã xả hàng cực mạnh và đẩy CP A về giá 1.0. Nếu CP A không thể tăng giá trở lại mà tiếp tục đi ngang, NĐT X coi như mất trắng. Trong trường hợp này, CTCK không thiệt hại gì vì cho vay 10.000 đồng/CP khi CP đang có giá 1.0 nên lúc nào cũng có thể bán ra và thu tiền về. Lợi nhất ở đây chính là cổ đông lớn, đã có thể xả hàng một cách trót lọt, còn việc có đánh lên CP hay không lại là chuyện may nhờ rủi chịu.

Trong trường hợp CP A giảm về lại 0.8, NĐT X sẽ buộc phải đóng thêm 2.000 đồng/CP để bù lỗ, còn nếu NĐT X “chạy làng”, CTCK trên danh nghĩa sẽ chịu lỗ 2.000 đồng/CP. Nhưng điều này không quá nghiêm trọng vì sau khi NĐT bán ra hết CP, CTCK có thể đánh lên trở lại 1.0 rồi bán ra lấy lại vốn. Với cách thức này, cổ đông lớn vừa có thể xả hàng, CTCK lại vừa được tiếng vừa được tiền, còn NĐT thực chất đã bị gài bẫy để… “xẻ thịt”.

Rõ ràng, chiêu thức trên thoạt nhìn rất ưu đãi nhưng thực chất là một cái bẫy tinh vi mà CTCK dành cho NĐT. Trong tình trạng thị trường chung không thuận lợi hiện nay, những kiểu xả hàng một cách vỗ mặt chắc chắn sẽ khiến NĐT phản ứng mạnh, CTCK mất uy tín, thay vào đó các CTCK đã đưa ra những viên kẹo đường nhưng bên trong lại là thuốc độc.

ĐẠI NGÀN

Tin cùng chuyên mục