Rà soát lại quy hoạch lộ giới đường
Như Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đưa tin, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Giao thông Vận tải đã từng chọn ra 160 tuyến đường, dự kiến đề xuất UBND TPHCM xem xét cho phép điều chỉnh lại lộ giới quy hoạch đường (nôm na là xóa quy hoạch lộ giới đường). Tuy nhiên, mới đây Sở Quy hoạch Kiến trúc lại cho biết, sở được giao nhiệm vụ chủ trì cùng với các sở ngành liên quan nghiên cứu cơ chế chính sách nhằm thực hiện cho được quy hoạch về lộ giới đường. Trước những thông tin thay đổi này, nhiều người dân trong khu vực quy hoạch lộ giới đường đã rất băn khoăn…
Thành phố quá tải, đô thị vệ tinh xa vời
Không chỉ có nhiều chuyên gia về quy hoạch, quản lý đô thị có ý kiến mà cách nay khoảng 10 năm, TPHCM cũng đã có chủ trương phát triển thành phố theo hướng: hạn chế mở rộng đường trong nội đô, dồn nguồn lực cho phát triển các đô thị vệ tinh. Đây là hướng phát triển đô thị đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng nhằm hạn chế đến mức tối đa các vấn nạn về ngập nước, kẹt xe… mà các “siêu” đô thị hay gặp phải. Từ đó tới nay, trên thực tế, TPHCM đã thực hiện khá nghiêm chủ trương này. TPHCM chỉ tiến hành chỉnh trang, nâng cấp, xây mới một số tuyến đường huyết mạch như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi… Hầu hết các tuyến đường nhỏ, dù đã được quy hoạch theo hướng mở rộng hơn như Thích Quảng Đức (Phú Nhuận), Bùi Thị Xuân (Tân Bình)… vẫn “án binh bất động”. Trong bối cảnh này, thông tin điều chỉnh lộ giới quy hoạch của 160 tuyến đường được người dân đón nhận như một điều tất yếu phải xảy ra. Hạn chế mở rộng trong nội đô, vậy để quy hoạch lộ giới mở rộng đường để làm gì?
Thế nhưng, trong điều tất yếu ấy, thông tin về việc các sở ngành nghiên cứu tìm cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch lộ giới đường, đã làm cho không ít người dân… không hiểu điều gì đang xảy ra.
TPHCM chỉ tiến hành chỉnh trang, nâng cấp, xây dựng một số tuyến đường huyết mạch như đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: CAO THĂNG
Trao đổi với phóng viên, một trong những chuyên gia đang có trách nhiệm nghiên cứu tìm cơ chế thực hiện quy hoạch lộ giới đường của Sở Quy hoạch Kiến trúc, xin được giấu tên, bắt đầu bằng một ví dụ. Đô thị mới Phú Mỹ Hưng - niềm tự hào của TPHCM chính thức được hình thành từ hơn 20 năm trước. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, dù chưa xây dựng hết 100ha như được thành phố giao, song với những khu phố đã được xây dựng khang trang, Phú Mỹ Hưng vẫn chưa thể kéo người đến ở đầy. Nhìn qua quận 2, không kể đô thị Thủ Thiêm có chức năng đặc biệt, các khu đô thị mới ở đây và ngay cả các khu đô thị mới ở quận 9 sát đấy cũng khá thưa thớt người sinh sống. Cho dù, giao thông kết nối từ trung tâm thành phố tới quận 2, quận 9 khá thuận lợi.
Ngược lên phía Tây Bắc, đô thị Tây Bắc dù đã được quy hoạch cách nay gần 10 năm song những đường nét dù ban sơ nhất của khu đô thị cũng còn chưa hiển hiện. Xuôi về phía Nam, sát bên Phú Mỹ Hưng là một loạt khu dân cư mới của Hoàng Anh Gia Lai, Vạn Phát Hưng, đêm về mới thấy lốm đốm ánh đèn. Xa hơn nữa, vượt sông Sài Gòn, qua Nhơn Trạch - một trong những đô thị mới được xác định là đô thị vệ tinh của TPHCM, đúng như tên gọi “thành phố ma” bởi chẳng có ai sinh sống. “Ý tôi muốn nói là, thời gian để hình thành một đô thị mới không phải là vài năm mà phải tính đến cả chục năm. Trong khi đó, nhu cầu sống, đi lại… của người dân trong khu đô thị hiện hữu của TPHCM là vấn đề nóng sốt trước mắt. Vì thế, công tác chỉnh trang đô thị trong khu dân cư hiện hữu trong đó có xem xét đến việc mở rộng đường theo đúng lộ giới nhằm đảm bảo yêu cầu giao thông và phát triển kinh tế, xã hội ở trong nội thành vẫn phải đặt ra” - chuyên gia này nói. Và đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để TPHCM giao nhiệm vụ cho Sở Quy hoạch Kiến trúc và các sở ngành liên quan nghiên cứu cơ chế thực hiện quy hoạch lộ giới đường.
Giải quyết nhu cầu trước mắt gắn với phát triển lâu dài
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, vấn đề xã hội lớn nhất trong quy hoạch: đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch đã được TPHCM cơ bản giải quyết trong Quyết định 27/2014 về cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố. Quyết định này cho phép người dân trong vùng quy hoạch được cấp phép xây dựng có thời hạn. Công trình xây dựng nhà có thể cao đến 3 tầng (không kể tầng lửng tại tầng 1 và mái che trên sân thượng nếu có). Thời gian xây dựng trong giấy phép là thời gian thực hiện quy hoạch xây dựng đã được ngành chức năng phê duyệt nhưng tối đa không quá 5 năm kể từ khi quy hoạch được phê duyệt hoặc không quá 3 năm đối với những khu vực đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm… Nếu trong thời gian cấp phép nêu trên, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch thì người dân không được đền bù phần đất và vật liệu xây dựng trong khu vực lộ giới quy hoạch. Tuy nhiên, sau thời gian cấp phép mà Nhà nước mới thu hồi đất thì phải bồi thường, hỗ trợ người dân theo quy định hiện hành.
Do vậy, vấn đề còn lại hiện nay cơ bản chỉ là những vấn đề về tài chính và kỹ thuật. Về kỹ thuật thì phải nghiên cứu và lập danh sách những tuyến đường cần ưu tiên mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt của người dân. Hiện nay, bức xúc nhất trong 22 quận, huyện trên địa bàn thành phố là các quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận 12… Đây là những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu đi lại của người dân rất lớn mà hệ thống đường giao thông ở đây đa số nhỏ. Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, đây sẽ là những khu vực được ưu tiên nghiên cứu.
Đến đây, vấn đề kỹ thuật sẽ được nhấn thêm bước nữa, đó là kết hợp yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài của thành phố. Con đường nào đáp ứng hai yêu cầu trên sẽ được ưu tiên hơn. Vấn đề tài chính là việc rất quan trọng. Đầu tư xây dựng đường trong nội đô rất khó xã hội hóa theo hình thức BOT (thu phí hoàn vốn). Có chăng là hình thức đổi đất lấy hạ tầng nhưng giải pháp này cũng không dễ thực hiện trong bối cảnh thị trường địa ốc ảm đạm. Do vậy, đầu tư vào đây sẽ chủ yếu là ngân sách, vì thế việc chọn lựa con đường nào ưu tiên thực hiện quy hoạch lộ giới phải được tính toán kỹ theo hướng, khi hoàn thành, tuyến đường phải góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực. Tất nhiên, cân đối được tất cả các yêu cầu này, không dễ!
NGUYỄN KHOA
|