Ưu tiên chống dịch và huy động mọi nguồn lực để dịch không lây lan

Chống dịch và sống chung với dịch Covid-19 bằng việc đẩy mạnh tiêm vaccine, áp dụng các biện pháp mạnh mẽ khác với luật hiện hành; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; triển khai có hiệu quả gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng. Đó là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập khi phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách diễn ra sáng nay, 25-7.

Đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy

Thảo luận tại hội trường, các ĐB đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành để 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 5,64% - là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp 1,47%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định…

ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình)  phát biểu tại hội trường. Ảnh VIẾT CHUNG
ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) bày tỏ sự tán thành với các biện pháp của Chính phủ trong chống dịch liên quan đến vấn đề vaccine, thông điệp 5K, hỗ trợ các địa phương… Tuy vậy, theo ĐB Minh Tâm, dịch sẽ kéo dài nhưng việc ứng phó vẫn mang tính ngắn hạn. Do đó, cần có các giải pháp lâu dài để sống chung, bình thường mới khi virus có thể không bao giờ biến mất; cần có các kịch bản cụ thể hoạt động của cơ quan nhà nước trong điều kiện dịch bệnh, đặc biệt là những cơ quan đặc thù như Quốc hội, tòa án, viện kiểm sát, công an…
Trong sản xuất kinh doanh, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy thì cũng phải đảm bảo quyền của người lao động trong vui chơi, giải trí. Về nguồn lực chống dịch, cũng theo ĐB Minh Tâm, khi ngân sách gặp khó thì cần huy động sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp. “Cử tri cho rằng lãng phí trong biên chế, thủ tục hành chính, tài nguyên thiên nhiên, tài sản công… còn nguy hại và tác hại hơn tham nhũng, trong khi, hành vi tham nhũng phát hiện khó thì lãng phí dễ phát hiện hơn”, ĐB Minh Tâm nói và lưu ý cần đẩy mạnh chống lãng phí để tạo nguồn kinh phí khi hiện nay, nhiều công trình còn lãng phí.

ĐB TRẦN HOÀNG NGÂN (TPHCM): TPHCM đang trải qua những ngày chống dịch nhiều cam go. Người dân TPHCM cảm nhận sâu sắc tình đồng bào, đồng chí của người dân, doanh nghiệp mọi miền đất nước. TPHCM cảm ơn các địa phương, người dân, doanh nghiệp ủng hộ TPHCM chống dịch; cảm ơn Quốc hội đưa nội dung phòng chống dịch vào nghị quyết chung của Quốc hội. TPHCM đã, đang và sẽ nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát dịch để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, dịch diễn biến phức tạp, khó dự đoán thời điểm kết thúc. Doanh nghiệp đảm bảo an toàn trong sản xuất và chiến lược vaccine gặp nhiều thử thách, do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có phương án xử lý các tình huống bất ổn có thể xảy ra để hoàn thành mục tiêu đề ra.
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên chống dịch và huy động mọi nguồn lực để dịch không lây lan; chính sách tài chính tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất, kinh doanh; tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thể chế để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; giải gân vốn đầu tư công, các gói hỗ trợ…
Ưu tiên chống dịch và huy động mọi nguồn lực để dịch không lây lan ảnh 2 ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang): Từ nay đến cuối năm, dịch diễn biến phức tạp, khó dự đoán thời điểm kết thúc. Ảnh VIẾT CHUNG
Đánh giá cao sự quyết liệt nhưng không thái quá, có cách làm sáng tạo, khoa học, phù hợp hạn chế tối đa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trong chống dịch của nhiều địa phương nhưng ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, vẫn còn có những địa phương áp dụng biện pháp chống dịch thái quá như không cho chở nông sản đi qua dù có giấy chứng nhân an toàn vì mỗi tỉnh một quy định.
“Cả nước như cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ. Vấn đề đặt ra là làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế”, ĐB Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh. Về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, theo ĐB, đây là chính sách hơp lòng dân và kiến nghị Chính phủ cần giao các bộ rà soát đúng đối tượng thụ hưởng, tránh trùng lắp; rà soát sức chống chịu của doanh nghiệp để có biện pháp căn cơ thời gian tới.

Chia sẻ đã từng trải qua 3 nhiệm kỳ ĐBQH nhưng chưa khi nào thấy báo cáo của Chính phủ nêu nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) bình luận, dịch bệnh đang bào mòn sức khỏe của người dân, doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 3 có khả năng thấp hơn kế hoạch khiến triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 kém lạc quan. Nguồn lực đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất nhập khẩu đang bị ảnh hưởng do dịch, có thể ngăn mục tiêu tăng trưởng. Dư địa chính sách tài khóa trong hỗ trợ đang hạn hẹp dù ngân sách tạm kết dư (do đầu tư phát triển giải ngân chậm), thu ngân sách gặp khó khi dịch lần 4 phức tạp. Khó khăn, thách thức bủa vây, trong khi chính sách tài chính, tiền tệ không còn nhiều. Trong khi, tài khoản giải ngân đầu tư công gặp khó do dịch, ngân quỹ nhà nước ứ đọng, không đưa được vào nền kinh tế thể hiện qua số dư tài khoản kho bạc gửi tương đương 26 tỷ USD. Về giải pháp, ĐB Hà Sỹ Đồng bày tỏ đồng tình với các giải pháp Chính phủ đã nêu cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đồng thời đề nghị cần có sự rà soát chính sách, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Ưu tiên chống dịch và huy động mọi nguồn lực để dịch không lây lan ảnh 3 Thủ tướng trao đổi với các ĐBQH bên lề phiên thảo luận ở hội trường sáng nay, 25-7. Ảnh VIẾT CHUNG
Cũng nhận định thời gian từ nay đến cuối năm là vô cùng khó khăn, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đồng tình với các giải pháp mà Chính phủ đưa ra và đề nghị Chính phủ cần khống chế dịch bệnh càng nhanh càng tốt vì vượt qua được dịch mới làm được những việc khác. Bày tỏ mong chờ sự mạnh mẽ của Chính phủ, ĐB Trần Văn Lâm kiến nghị Chính phủ kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, để bảo vệ, thúc đẩy thành quả hiện nay, chú trọng cách chính sách xã hội và môi trường; tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế; sắp xếp lại các chuỗi cung ứng.

Ủng hộ các giải pháp mạnh mẽ mà luật chưa có

Thảo luận tại hội trường, đa số các ĐB đều đồng tình với đề xuất của Chính phủ đưa một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đưa vào nghị quyết kỳ họp của Quốc hội. ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cũng bày tỏ sự tán thành với chủ trương Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động quyết định áp dụng các biện pháp chưa có luật và khác với luật hiện hành trong phòng chống dịch Covid-19. Bởi theo ĐB, điều này là hết sức cần thiết và giống như Quốc hội cho thí điểm chính sách mới.

Đồng tình với việc đưa vấn đề phòng chống dịch bệnh vào nghị quyết chung của Quốc hội là đúng đắn dù có những điểm chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, song ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) lưu ý phạm vi điều chỉnh, thời hạn áp dụng và xác định trách nhiệm để không bị lợi dụng chính sách gây thất thoát ngân sách. Bởi, mọi kế hoạch dù hay, hoàn hảo thì vẫn phụ thuộc yếu tố con người. “Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Khi chúng ta thảo luận ở đây về định hướng, kế hoạch thì ngoài kia người dân vẫn đang chờ đợi vaccine, chờ đợi những ngày tháng khó khăn sẽ nhanh qua. Tôi tin là Chính phủ với quyết tâm, nỗ lực sẽ thực hiện thành công các nghị quyết, kế hoạch đã đề ra”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nói.

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH ĐÀO NGỌC DUNG: Dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tạo áp lực lớn đến phát triển kinh tế, đời sống xã hội, tấn công thành trì là khu công nghiệp, khu chế xuất nơi lao động chiếm 4 triệu người.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐTB-XH và các ngành đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021 (về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19); Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Sau 15 ngày triển khai, theo đánh giá, việc ban hành chính sách trên là kịp thời, đúng, trúng đối tượng, hồ sơ thông thoáng, rút ngắn thời gian so với gói Nghị quyết 42/NQ-CP (về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19).

Tin cùng chuyên mục