Ưu tiên đầu tư đường bộ cao tốc cho ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu hoàn thành khoảng 5.000km đường bộ cao tốc. Trong đó, nhiều dự án hạ tầng giao thông phía Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, sẽ được ưu tiên đầu tư. Tuy nhiên, nguồn lực nào và hình thức thực hiện ra sao được dư luận đặc biệt quan tâm. 

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, xung quanh vấn đề này.

Ưu tiên đầu tư đường bộ cao tốc cho ĐBSCL ảnh 1 Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT

PHÓNG VIÊN: Bộ GTVT vừa đưa vào danh mục 25 dự án quan trọng quốc gia và dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiều dự án ở khu vực phía Nam. Xin ông cho biết, các dự án này được xác định theo tiêu chí nào?

Thứ trưởng NGUYỄN DUY LÂM: Danh mục dự án ưu tiên đầu tư này bám sát và cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được nêu tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh đó, các dự án cũng được lựa chọn trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải trên các hành lang vận tải để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, quan tâm những khu vực khó khăn để đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền.

Hiện khu vực ĐBSCL chỉ có vài chục kilômét đường cao tốc, đây là điểm nghẽn chính khiến khu vực này chưa thể cất cánh. Ông có thể cho biết lộ trình, phương thức đầu tư các tuyến này ra sao? 

Lợi thế tự nhiên của vùng ĐBSCL là giao thông đường thủy. Tuy nhiên, vận tải đường bộ là phương thức linh hoạt, phát huy hiệu quả với cự ly ngắn và trung bình, đồng thời đóng vai trò kết nối chính các phương thức vận tải, hỗ trợ gom và giải tỏa hàng hóa, hành khách cho các phương thức vận tải khác. Do vậy, Đảng và Nhà nước xác định ưu tiên nguồn lực để đầu tư đường bộ cao tốc cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới. Bộ GTVT đã xây dựng danh mục đầu tư các tuyến cao tốc trong khu vực ĐBSCL để kết nối với khu vực Đông Nam bộ và TPHCM, cũng như các tuyến cao tốc nội vùng kết nối với cảng biển, cửa khẩu quốc tế. Các tuyến đường cao tốc được ưu tiên đầu tư là Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề, Châu Đốc - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, An Hữu - Cao Lãnh, Mỹ An - Cao Lãnh, nâng cấp đảm bảo tiêu chuẩn đường cao tốc với tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Các tuyến còn lại sẽ xem xét triển khai sau năm 2025, khi cân đối được nguồn lực. Trường hợp các địa phương thu xếp được nguồn vốn và có nhu cầu đẩy sớm tiến độ đầu tư, Bộ GTVT sẽ phối hợp với địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư sớm hơn. 

Các dự án được triển khai đầu tư bằng phương thức đối tác công tư (P.P.P) có sự hỗ trợ của vốn ngân sách Nhà nước để đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính, thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng.

Ưu tiên đầu tư đường bộ cao tốc cho ĐBSCL ảnh 2 Quốc lộ 1A qua các tỉnh ĐBSCL thường xuyên bị tắc nghẽn khi lưu lượng giao thông tăng cao trong các dịp lễ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tới đây, kết cấu hạ tầng giao thông sẽ thực hiện phân cấp đầu tư. Quốc lộ, cao tốc đi qua tỉnh nào thì giao tỉnh đó làm chủ đầu tư, Bộ GTVT chỉ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Khi đã giao cho địa phương thì trách nhiệm của Bộ GTVT ra sao?

Trong thời gian vừa qua, nhiều dự án đường bộ cao tốc, quốc lộ đã giao cho địa phương đầu tư như tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tiền Giang… Cách làm này phát huy hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Khi được giao quyền, các tỉnh, thành phố có dự án sẽ chủ động xây dựng, điều chỉnh một cách đồng bộ các quy hoạch khác của địa phương, đặc biệt là quy hoạch phát triển quỹ đất, tạo không gian phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đô thị. Đặc biệt, việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị địa phương vào cuộc sẽ đảm bảo kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng. 

Về phần mình, Bộ GTVT sẽ tăng cường hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các dự án để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ khi chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư cũng như vận hành khai thác.

Để đạt mục tiêu đề ra tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030 cần nguồn vốn lên tới khoảng 746.000 tỷ đồng. Làm thế nào có thể huy động được nguồn vốn khổng lồ này?

Bộ GTVT xác định sẽ huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư đường bộ cao tốc. Đối với các dự án thực hiện theo phương thức P.P.P, vốn ngân sách Nhà nước sẽ đóng vai trò “vốn mồi” theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Ngoài ra, việc huy động ngân sách địa phương tham gia đầu tư các tuyến cao tốc trên địa bàn sẽ bổ sung thêm nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, các bộ ngành cần tiếp tục rà soát tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật nhằm tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư theo hình thức P.P.P.

Tin cùng chuyên mục