Chống ùn tắc giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh

Ưu tiên giải pháp thu phí và hạn chế lưu thông

Một số đề nghị của Sở GTVT với Bộ GTVT
Ưu tiên giải pháp thu phí và hạn chế lưu thông

Tuần qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, một đoàn cán bộ của Bộ Giao thông Vận tải đã vào làm việc với Sở Giao thông Vận tải TPHCM để cùng thống nhất các giải pháp chống ùn tắc giao thông có thể triển khai thực hiện sớm ở TPHCM. Như vậy, song hành với thủ đô Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt cùng TPHCM lập lại trật tự an toàn giao thông.

Tất cả các giải pháp đều cần thiết

Thạc sĩ Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý Vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, tất cả đại biểu tham dự cuộc họp đều thống nhất được với nhau một vấn đề, để lập lại trật tự an toàn giao thông phải thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp. Mỗi giải pháp có thể chỉ có tác dụng ở một khía cạnh nhưng tổng hợp lại nó sẽ mang lại hiệu quả lớn cho xã hội. Trong quá trình thực hiện, sẽ có không ít giải pháp “đụng” đến cơ chế, “đụng” đến quyền lợi của một số cá nhân, đơn vị… Do đó, lập lại trật tự an toàn giao thông rất cần đến sự đồng thuận của mọi người. Điều luật nào chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của cuộc sống thì đề xuất điều chỉnh trên cơ sở lợi ích chung của cộng đồng. “Sở dĩ chúng tôi phải thống nhất với nhau như vậy vì thời gian qua nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông đã bị “tuýt” còi khi vướng những vấn đề trên”, Thạc sĩ Lê Trung Tính nói.

Giải quyết kẹt xe cần sự kết hợp từ nhiều phía. Ảnh: KIM NGÂN

Giải quyết kẹt xe cần sự kết hợp từ nhiều phía. Ảnh: KIM NGÂN

Tuy nhiên, theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cuộc họp cũng bóc tách ra một số giải pháp có thể triển khai thực hiện ngay. Trước mắt, triển khai thu phí ô tô khi đi vào khu vực trung tâm thành phố. Cách nay 8 năm, tốc độ lưu thông tại khu vực trung tâm trung bình 18,2km/giờ thì nay còn khoảng 14,3km/giờ. Trước kia xe chỉ đông vào giờ cao điểm thì hiện gần như lúc nào cũng là giờ cao điểm. Tình trạng ô tô lưu thông thành hàng dài vắt ngang qua giao lộ, chặn dòng xe đối diện không còn là việc hiếm và việc này đang ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động của thành phố do hầu hết các cơ quan công sở của thành phố đều tập trung ở khu trung tâm. Chỉ cần giảm được khoảng 20%-30% lượng ô tô vào khu trung tâm thì tình trạng giao thông ở đây sẽ được cải thiện, Sở Giao thông Vận tải cho biết.

Một giải pháp khác mà các đại biểu cho rằng có thể triển khai ngay là hạn chế xe cá nhân lưu thông theo bảng số xe. Xe bảng số chẵn được lưu thông vào ngày chẵn và xe biển số lẻ được lưu thông trong ngày lẻ. Trước mắt, không áp dụng cho tất cả thời gian trong ngày mà chỉ vào những giờ cao điểm và vào những khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông cao do quá tải. Khi ổn định, có thể hạn chế xe cả ngày. Thu phí lưu đậu xe cao cũng là một giải pháp được ưu tiên.

Theo Thạc sĩ Lê Trung Tính, một lý do nữa khiến các giải pháp nêu trên sẽ đặc biệt được xem xét là theo lộ trình gia nhập WTO của Việt Nam, thuế nhập khẩu ô tô sẽ càng ngày càng giảm. Trong khi diện tích đường tăng lên rất chậm chạp do thiếu kinh phí đầu tư thì việc hạn chế sử dụng xe cá nhân lưu thông là cách tối ưu để chống quá tải dẫn đến ùn tắc giao thông.

Thêm đột phá cho vận tải công cộng

Sở Giao thông Vận tải cho biết, cuộc họp cũng thống nhất sẽ đề xuất thêm các giải pháp cho phát triển vận tải hành khách công cộng. “Hiện nay về nguyên tắc ai cũng nói ủng hộ vận tải hành khách công cộng nhưng trên thực tế không hẳn là như vậy. Quận 5 lại vừa kiến nghị UBND TPHCM xem xét cho bỏ làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo thuộc địa bàn của quận trong khi đây là tuyến đường có lượng hành khách tăng cao nhất và cũng là một trong những tuyến đường xe buýt an toàn nhất thành phố”.

Theo Thạc sĩ Lê Trung Tính, sắp tới không chỉ đường Trần Hưng Đạo mà tất cả những tuyến đường rộng, Sở Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị làm đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt. Một số vỉa hè rộng cũng sẽ được đề xuất khoét lõm cho xe buýt vào đón, trả khách. Xe buýt “kẹt cứng” trong làn xe cá nhân thì không thể đảm bảo lộ trình như quy định.

Xe buýt phải được đổi mới và giá vé phải được kéo giảm xuống. Một kiến nghị nữa của Sở Giao thông Vận tải TPHCM được đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải thống nhất. Hiện nay hầu hết xe buýt của thành phố đều cũ kỹ, xả khói gây ô nhiễm môi trường và không hấp dẫn người dân. Các đơn vị vận tải thành phố đã chủ động xây dựng một đề án đổi mới xe buýt trong đó có cả việc đổi xe buýt sử dụng xăng sang sử dụng khí CNG để bảo vệ môi trường mà trong đó chỉ đề nghị được hỗ trợ một phần lãi suất vay đầu tư (riêng đối với xe sử dụng khí CNG xin được miễn thuế nhập khẩu và được hưởng chênh lệch định mức tiêu hao nhiêu liệu) nhưng đề án này vẫn chưa được nhiều sở, ngành liên quan ủng hộ với lý do chưa có “cơ sở” pháp lý. “Chúng tôi hy vọng Bộ Giao thông Vận tải sẽ chủ động làm việc với các cơ quan liên quan để hình thành nên cơ chế này”, Thạc sĩ Lê Trung Tính nói.

Về việc tăng thêm nguồn thu cho xe buýt nhằm giảm giá vé, hiện nay thành phố đã “bật đèn xanh” cho quảng cáo trên xe buýt và Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng đang soạn thảo đề án cụ thể. Nếu đề án này sớm được triển khai thì giá vé xe buýt có cơ hội giảm xuống mà ngân sách thành phố không phải gánh thêm gánh nặng này, nhiều cán bộ Sở Giao thông Vận tải khẳng định.

Một số đề nghị của Sở GTVT với Bộ GTVT

- Hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng, điều tiết nhu cầu giao thông, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
- Kiểm soát phát triển đô thị trung tâm, điều chỉnh các chức năng đô thị, giảm áp lực lên hệ thống giao thông đô thị.
- Thu hút các nguồn lực sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống đường vành đai, hệ thống bến bãi đậu xe.
- Hoàn thiện quy hoạch quản lý taxi.
- Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục người dân chấp hành Luật Giao thông Đường bộ.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục