Mạng lưới đường thủy nội địa kết nối với các cảng biển, cảng sông không chỉ đáp ứng nhu cầu cho một loại hình giao thông mà còn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế ngoại thương của TPHCM.
Xác định đúng đắn
Theo quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng - bến trên địa bàn TPHCM giai đoạn đến năm 2020, có 5 tuyến vận tải thủy được thành phố đánh giá cao và lựa chọn. Đó là các tuyến: rạch Đĩa - rạch Dơi - sông Phú Xuân; rạch Ông Lớn 2 - sông Phước Kiểng - rạch Mương Chuối; rạch Tôm - sông Mương Chuối; rạch Dơi - sông Kinh - sông Đồng Điền và rạch Dừa - sông Giồng - rạch Giồng - kênh Lộ. Các tuyến này đều có điều kiện thủy vận tốt do đặc điểm sông rộng, độ sâu lớn, cho phép vận hành các phương tiện vận tải thủy nội địa cỡ trung bình, thậm chí ngay cả phương tiện vận tải thủy nội địa cỡ lớn cũng có thể lưu thông tốt nếu được đầu tư nạo vét, chỉnh trị tốt.
Rạch Đĩa kết hợp với rạch Tôm nhánh Phước Kiểng - rạch Ông Lớn hình thành một tuyến giao thông thủy quan trọng. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Trong mắt của giới chuyên gia, việc hoạch định những dự án luồng tuyến giao thông thủy này cho thấy tầm nhìn xa và sáng suốt. Bởi vì toàn bộ 5 luồng tuyến trên đều là những tuyến vận tải thủy trọng yếu, giữ vai trò nối kết trục đường thủy quốc gia là tuyến rạch Ông Lớn - kênh Cây Khô - sông Cần Giuộc với tuyến hàng hải là luồng tàu biển sông Soài Rạp. Chính từ những sự kết nối này lại dẫn tới một hệ quả tích cực, kết nối trực tiếp giải tỏa hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu cảng biển mới là cảng Hiệp Phước và cảng Cát Lái.
Vẫn theo quy hoạch, toàn bộ 5 tuyến vận tải thủy nêu trên đều là tuyến cấp 4 đường thủy nội địa, tức là có thiết kế dành cho tàu có tải trọng từ 51 đến 100 tấn lưu thông.
Theo Khu Quản lý đường thủy nội địa thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, vai trò và chức năng của 5 tuyến vận tải thủy này một khi được đầu tư cải tạo đạt cấp quy hoạch sẽ đáp ứng được 3 tiêu chí quan trọng. Đó là hình thành một khu vực tác nghiệp vận tải thủy với quy mô lớn đầy đủ từ gốc đến ngọn, từ cảng đến cảng, từ cạn ra sâu và từ cảng biển đi về thành phố. Đó cũng là tạo ra khả năng liên kết trực tiếp giữa cảng biển với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cảng biển với TPHCM vốn dĩ là các địa chỉ sản xuất và tiêu thụ hàng hóa đầy tiềm năng của toàn khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Cuối cùng 5 hướng tuyến được chọn nêu trên sẽ tạo thành một hệ thống cầu nối liên kết các trục vận tải thủy quốc gia với đầu mối cảng biển số một trong khu vực đồng thời là động lực thúc đẩy mạnh mẽ liên kết sông - biển và thúc đẩy vận tải thủy nội địa phát triển.
Cần nhiều quan tâm hơn nữa
Sự “lợi hại” của 5 tuyến vận tải thủy nêu trên nói riêng và mạng lưới các tuyến thủy kết nối nói chung là rất rõ ràng, không có gì phải bàn cãi. Tuyến rạch Dơi - sông Kinh là một ví dụ. Mặc dù chỉ là tuyến kết nối thủy nội địa cấp 4 với chiều dài 9km, nhưng đây là tuyến kết nối tắt giữa các cụm bến, cảng khu vực nội thành, cảng sông Phú Định với cảng biển Hiệp Phước thông qua tuyến sông Cần Giuộc. Chính nhờ tuyến tắt này mà cự ly vận chuyển hàng hóa cho các phương tiện lưu thông từ khu vực nội thành đi đến khu vực cảng Hiệp Phước được rút ngắn vì không còn phải lưu thông đường vòng ra sông Nhà Bè, mũi Đèn Đỏ, sông Sài Gòn.
Tương tự là tuyến rạch Tôm nhánh Phước Kiểng là tuyến kết nối các cụm bến, cảng khu vực các quận 4, quận 7 với cảng biển Hiệp Phước thông qua tuyến rạch Đĩa, rạch Ông Lớn vốn dĩ có nhu cầu vận tải đường thủy rất lớn. Quan trọng hơn, đây còn là tuyến nối tắt cho phép rút ngắn cự ly vận chuyển mà không cần phải đi vòng ra luồng sông Nhà Bè và sông Sài Gòn.
Trong khi đó tuyến rạch Chiếc - rạch Trau Trảu giữ vai trò kết nối tắt sông Sài Gòn với sông Đồng Nai. Một khi dự án khai thông tuyến hoàn thành, lợi ích kinh tế mang lại sẽ không đo đếm được bởi chức năng liên kết hai khu vực cụm cảng Thủ Đức và Đồng Nai với cụm cảng biển Cát Lái.
Tuyến rạch Giồng - sông Kinh Lộ giữ vai trò kết nối khu cảng biển Hiệp Phước với khu vực nội thành vả cảng sông Phú Định thông qua tuyến sông Cần Giuộc đồng thời kết nối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long qua ngõ sông Vàm Cỏ. Ngoài các tuyến trên, cụm cảng Hiệp Phước còn kết nối với khu vực Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua các tuyến luồng hàng hải như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Soài Rạp.
Vấn đề cần làm tiếp theo là tăng cường đầu tư chỉnh trang, cải tạo, nạo vét các luồng tuyến thủy nội địa trên địa bàn thành phố, bao gồm nạo vét chỉnh trị luồng, thanh thải chướng ngại vật trên đường nước, gia cố chống xói lở bờ tại một số cung chặng trên tuyến, bổ sung các báo hiệu thủy vận như báo hiệu ngã 3, tránh vượt, biển báo tốc độ, chỉ dẫn neo đậu phương tiện…
| |
THIỆN NHÂN