Thảo luận tại hội trường ngày 27-10 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch năm 2012, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đồng tình năm 2012 và 5 năm tới cần ưu tiên, quyết liệt kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để cuộc sống người dân bớt khó khăn. Bên cạnh đó, đa số ý kiến các ĐB cho rằng, Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đầu tư nhiều hơn vào khu vực nông thôn.
Kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả
Chia sẻ quan điểm của Chính phủ về việc năm 2012 sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 để kiềm chế lạm phát, ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng đây là biện pháp cần thiết vì lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô lặp đi lặp lại nhiều năm nhưng chưa khắc phục được. Do vậy, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý là hết sức cần thiết.
Theo phân tích của ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương), cơ may đạt mức tăng trưởng kinh tế Chính phủ đặt ra trong năm 2012 6%-6,5% khá mong manh do những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước. Quan trọng hơn trong năm tới phải kiềm chế lạm phát ở dưới 10% và nếu đạt được mục tiêu này, dù tăng trưởng GDP không được 6% cũng thành công.
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cũng đồng quan điểm khi cho rằng, năm 2012 không nên đặt nặng vấn đề tốc độ tăng trưởng GDP. Chỉ tiêu này có thể thấp hơn miễn đảm bảo được chỉ tiêu về kiềm chế lạm phát dưới 2 con số.
Các ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng), Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) nhấn mạnh, kiềm chế lạm phát là vấn đề nóng nhất bởi sẽ tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh, mục tiêu của kiềm chế lạm phát năm 2012 ở mức một con số là ưu tiên số 1 bởi nếu lạm phát tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng đến các thành quả kinh tế, xã hội khác. Để đạt được mục tiêu này, ĐB Nguyễn Bá Thanh đề nghị Chính phủ cần có biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh.
Năm 2012 là năm nhiều mặt hàng quan trọng (như điện, xăng dầu…) sẽ tiếp tục được điều chỉnh giá sát thị trường hơn. Vì vậy, theo ĐB Hà Ngọc Chiến (Cao Bằng) nếu điều chỉnh giá những nguyên liệu, nhiên liệu quan trọng, cần có khoảng cách nhất định, tránh gần nhau dễ gây sốc và làm tăng chi phí doanh nghiệp, ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa khác. Mặt khác cần tuyên truyền để tránh tăng giá theo yếu tố tâm lý.
Phải giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa
Một vấn đề khác cũng được nhiều ĐB quan tâm là đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn. ĐB Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) phân tích, 3 năm đầu tư cho khu vực này tăng về số tuyệt đối nhưng lại giảm so với tổng đầu tư toàn xã hội, trong khi đóng góp của khu vực này vào GDP 20%, rõ ràng phân bổ đầu tư như vậy không hợp lý. Nguồn vốn trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp nông thôn có thể nói không đáng kể, các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản vừa ít, vừa yếu. Chính vì vậy, các cơ quan hoạch định chính sách cần đề xuất bổ sung chỉnh sửa các luật đầu tư, các chính sách đầu tư và tăng ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Chẳng hạn như sửa đổi các quy định để nông dân vay vốn dễ dàng hơn, hay sự bất hợp lý khi quy định các hợp tác xã muốn vay vốn phải chứng minh được năm sau phải làm ăn có lãi hơn năm trước. Cùng với đó nhà nước tăng ưu đãi, tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, điện nước đối với khu vực nông thôn. Vì nếu chỉ hỗ trợ vốn, công nghệ vẫn còn quá nhỏ bé so với những khó khăn doanh nghiệp khu vực này đang đối mặt.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nhìn nhận, đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn còn dàn trải, thiếu đồng bộ. Nhiều công trình, dự án chưa phát huy được hiệu quả. Nhiều nơi khi mùa khô thiếu nước, mùa nước thì không ngăn được lũ, nông sản được mùa thì mất giá... Đề nghị Chính phủ không cắt giảm công trình giao thông, thủy lợi ở khu vực nông thôn, chuẩn bị nguồn lực để triển khai bảo hiểm toàn dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Đinh Thị Phương Khanh (Long An) đề nghị Chính phủ phải bằng mọi giá giữ nguyên diện tích sản xuất lúa 3,8 triệu ha và dành 1%-2% kinh phí dự phòng để hỗ trợ nông dân sản xuất lúa khi có thiên tai, dịch bệnh.
Cần biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa |
NG.QUANG – V.NGHĨA