Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Hôm qua 22-10, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), Hội Tin học Việt Nam (VAIP) và Hội Tin học TPHCM (HCA) đã tổ chức cuộc tọa đàm lấy ý kiến đóng góp của giới công nghệ thông tin cho dự thảo Báo cáo chính trị  Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Trong ý kiến gửi đến cuộc tọa đàm, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT đã bàn về việc phát triển nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) theo mục tiêu của Chính phủ sớm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về lĩnh vực này.

Ông Tùng cho rằng, một quốc gia 86 triệu dân có dân số xếp thứ 13 thế giới, nguồn lực chính của Việt Nam là con người. Tuy nhiên một thực tế đáng buồn – như đánh giá trong dự thảo là “Giáo dục và đào tạo có tiến bộ trên một số mặt, nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém, gây bức xúc cho xã hội”… “Quản lý nhà nước về giáo dục còn lúng túng”… “Chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điểm yếu cản trở sự phát triển”. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp kêu ca nhiều về chất lượng đào tạo , tuy nhiên nhiều nhà giáo dục Việt Nam không hoàn toàn đồng tình, với lý do trường lớp chỉ có trách nhiệm đào tạo phần cơ bản, còn các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đào tạo bổ sung, hoặc phối hợp với các trường để cùng chung tay đào tạo. Từ góc độ trong nước, sau mấy chục năm phát triển sau chiến tranh, chỉ có 22% (14/63) tỉnh TP cân đối được thu chi ngân sách, còn 78% tỉnh thành kinh tế kém phát triển, thu thuế không đủ bù chi ngân sách tại địa phương, trong đó có cả các địa phương đông dân và nổi danh là đất học như Nghệ An, Thanh Hóa...

Ông Tùng cũng cho rằng, để có được 1 triệu nhân lực làm việc cho ngành công nghiệp CNTT vào năm 2020, xem đây là yếu tố then chốt đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT, thay đổi vị thế của Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới, cần triển khai nhiều giải pháp tổng thể, tuyên truyền về viễn cảnh nghề nghiệp giúp thay đổi nhận thức của thí sinh, tạo nguồn nhân lực đầu vào đông đảo cho ngành. Muốn phát triển đột phá, cần có các giải pháp cụ thể mang tính đột phá, được ban hành về mặt pháp lý, tạo được sự đồng thuận và triển khai hiệu quả.

GS-TS Nguyễn Lãm (nguyên Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Quốc phòng) đã góp ý về vấn đề phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, chủ trương xây dựng và phát triển kinh tế tri thức là một chủ trương sáng suốt, có tầm nhìn xa. Nhưng cái quan trọng là tìm cho được một lộ trình hợp lý để đi đến kinh tế tri thức.

Dự thảo đưa ra ý tưởng: “Xây dựng và phát triển lộ trình phát triển kinh tế tri thức đến năm 2020”. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ ra là phải phát triển và xây dựng hạ tầng cơ sở cho khoa học, công nghệ; phải nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, phát triển kinh tế tri thức; phải phát triển mạnh dịch vụ công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, dựa nhiều vào tri thức, mà chưa đưa ra lộ trình cụ thể.

TS Nguyễn Lãm cho rằng, cách đây 10 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 58 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT. Đây là một nhận thức mới, có tác động mạnh mẽ đến sự thúc đẩy phát triển nền công nghiệp CNTT ở nước ta, một nền công nghiệp không thể thiếu trong phát triển kinh tế tri thức. Đại hội lần này cần có những chủ trương mạnh mẽ như thế về CNTT trong xây dựng và phát triển kinh tế tri thức sắp tới

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục