* Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai sửa đổi
(SGGPO).- Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 19-4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nghe ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Báo cáo một số ý kiến của Ủy ban Kinh tế về Đề án nêu trên.
Đồng tình với quan điểm cho rằng việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Quốc hội; song Báo cáo một số ý kiến của Ủy ban Kinh tế về Đề án cho rằng, Đề án cần bổ sung định hướng những lĩnh vực sẽ được tái cơ cấu, phù hợp với ba đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, sắp xếp thứ tự ưu tiên và lộ trình thực hiện. Đối với những Đề án đã được phê duyệt và ban hành do yêu cầu cấp thiết của quá trình tái cơ cấu, cần tiếp tục thực hiện và sẽ có sự điều chỉnh cần thiết sau khi Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế được thông qua.
Bên cạnh đó, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Đề án chưa đánh giá chi phí cần thiết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bao gồm cả chi phí kinh tế, xã hội, thời gian… “Việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực bị hạn chế, cả về tài chính và nhân lực. Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, những tính toán về chi phí xã hội như sắp xếp lại việc làm cho lao động dôi dư do tái cơ cấu là cần thiết để có giải pháp phù hợp như bồi dưỡng, đào tạo lại”, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phát biểu.
Một trong những nhận định rất đáng lưu ý trong Báo cáo của Ủy ban Kinh tế là việc hiện nay vẫn tồn tại sự khác biệt về quan điểm trong điều hành kinh tế, có sự khác biệt trong tư duy giữa trung ương (ưu tiên chất lượng tăng trưởng) và địa phương (ưu tiên tốc độ tăng trưởng).
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững, cải thiện các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là đúng đắn và phù hợp. Tuy nhiên, cần tạo sự đồng thuận cao từ Trung ương đến địa phương trong việc phân giao nhiệm vụ giữa các bộ, ngành và địa phương. Phân giao nhiệm vụ phải theo hướng ai sử dụng hiệu quả hơn thì được giao nhiệm vụ.
Liên quan đến định hướng các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển, Đề án chưa đưa ra được các luận giải khoa học trong việc định hướng phát triển gắn với thực trạng kinh tế nước ta. Một số ngành thâm dụng lao động như may mặc, thủy sản vẫn đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm trong vòng 10 năm tới chưa được đề cập đúng mức trong Đề án. Tuy nhiên, hiện nay nước ta dần mất đi ưu thế cạnh tranh về chi phí nhân công rẻ, cần phải có những chính sách đột phá nếu vẫn tiếp tục chọn các ngành, sản phẩm này vào diện ưu tiên phát triển trong công nghiệp.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị bổ sung thêm tiêu chí thân thiện với môi trường phù hợp với quá trình phát triển kinh tế và nhận thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và công dân để lựa chọn ngành/ sản phẩm ưu tiên. “Sẽ ưu tiên sản phẩm thỏa mãn nhiều nhất các tiêu chí hoặc nếu chỉ thỏa mãn một tiêu chí thì sản phẩm được lựa chọn phải phù hợp với quy hoạch vùng kinh tế”, ông Nguyễn Văn Giàu lý giải thêm. Ngoài ra, đề nghị cân nhắc ưu tiên phát triển một số ngành, sản phẩm mà Việt Nam có tiềm năng phát triển như sản phẩm nông nghiệp xanh. Trong lĩnh vực dịch vụ, cần chú trọng phát triển thương mại điện tử, dịch vụ liên quan đến máy tính, dịch vụ xây dựng, vận tải và logistics (kết hợp với các đối tác ASEAN)…
Cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, “tái cơ cấu” hay nói cách khác là thay đổi mô hình kinh tế - một việc phải làm thường xuyên. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể mà mỗi thời kỳ cần có một mô hình, một cách làm khác nhau; tuy cùng hướng đến mục tiêu đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, là một đề án tổng thể, cần có sự đánh giá toàn diện tác động của quá trình tái cơ cấu đến kinh tế, xã hội, môi trường (có tính đến các yếu tố mới như biến đổi khí hậu, nước biển dâng…), Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Ông cũng nhắc nhở cơ quan soạn thảo hết sức tránh xu hướng quay trở lại với nền kinh tế kế hoạch bao cấp trước đây: “Nhà nước chỉ can thiệp trong những trường hợp hết sức cần thiết bằng những công cụ thị trường, tránh áp đặt bằng hành chính. Không xác định như thế thì không bao giờ tái cơ cấu hiệu quả được”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì đề nghị cơ quan soạn thảo đề án làm rõ sự khác biệt giữa “tái cơ cấu” với “chuyển dịch cơ cấu kinh tế”. “Chắc chắn khi Đề án được trình, Quốc hội sẽ rất quan tâm đến vấn đề này. Tại những kỳ họp trước cũng đã có nhiều tranh luận”, ông nói.
Chia sẻ quan điểm này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu: “Nói đến tái cơ cấu, người ta chờ đợi những giải pháp quyết liệt tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, sự thay đổi toàn diện mang tính chất đột phá”.
Trên quan điểm này, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, Đề án nên gom lại hai mục tiêu chính yếu, thay vì để quá nhiều mục tiêu, “không sai, nhưng loãng”. Hai mục tiêu đó, theo ông, là làm cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả ở mức độ cao hơn; đồng thời, tạo ra cơ cấu kinh tế chung, cơ cấu kinh tế ngành và địa phương hợp lý. Trong số các vấn đề cụ thể, người đứng đầu UB TC-NS nhận định: “Ta phải khắc phục cho được căn bệnh “thừa tiền cục bộ”, nói chính xác là chuyển dịch nguồn lực tài chính từ nơi kém hiệu quả sang nơi có hiệu quả cao hơn”. Một yêu cầu quan trọng khác, theo ông Hiển, là phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cảnh báo rủi ro trong nhiều lĩnh vực, từ nợ công, xuất nhập khẩu đến thị trường lao động… và công khai cho xã hội giám sát, đánh giá.
Quan tâm sâu sắc đến khía cạnh xã hội của Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai yêu cầu làm rõ nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu kinh tế; bao gồm cả tài lực, nhân lực… “Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đánh giá lại mức độ chuyển dịch cơ cấu lao động đã bắt kịp với nền kinh tế hay chưa. Nông nghiệp tạo ra có 26% GDP nhưng chiếm tới 50% thị trường lao động. Tôi thì cho rằng chuyển dịch cơ cấu lao động chậm hơn mức tăng trưởng của nền kinh tế”. Vấn đề trình độ, kỹ năng và năng suất lao động cũng được bà Trương Thị Mai phân tích. Làm thế nào để tạo ra đột phá về năng suất lao động là vấn đề rất cần được chú trọng. Bà Mai cung cấp thêm thông tin, năng suất lao động bình quân của nước ta không những thấp xa so với các nước phát triển, mà còn thấp xa so với năng suất lao động của Trung Quốc (chỉ bằng khoảng 52%).
Từ góc độ cải cách thể chế, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý ưu tư: “Lựa chọn thể chế là khâu đột phá đầu tiên, nhưng Đề án đề cập hơi mờ nhạt. Để tái cơ cấu thành công thì cần có thêm những luật gì, thay đổi những quy định nào – cần phải rất rõ. Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng rất nên có Luật Phá sản, để tránh tình trạng mà người ta vẫn gọi là “hàng loạt doanh nghiệp chết rồi mà không chôn được”. Nhưng không thấy Đề án nêu vấn đề này”. Ông Lý cũng thẳng thắn nhận định rằng, nếu quyết định trình Đề án để Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thì ngoài đề án tổng thể, cần có những đề án thành phần rất chi tiết kèm theo cho từng ngành, từng lĩnh vực, chứ “thông qua một đề án chung chung thì không để làm gì”.
Cuối phiên họp sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đề án sẽ tiếp tục được bổ sung, chỉnh lý. Để có thêm thông tin, cơ sở hoàn thiện Đề án, một hội nghị tham vấn các đối tác phát triển sẽ sớm được tổ chức.
* Chiều 19-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thảo luận Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.
Theo đề xuất của Chính phủ, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 gồm 59 dự án (56 luật, 3 pháp lệnh). Trong đó, Chương trình chính thức có 35 dự án luật và 3 dự án pháp lệnh.
Đáng lưu ý, về chương trình năm 2012, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012) sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Ngoài dự án Luật Đất đai sửa đổi, Chính phủ còn đề nghị lùi thời hạn trình hai dự án Luật khác, gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và dự án Luật Đô thị.
| |
ANH PHƯƠNG