Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân

• Ý

• Ý dân - sau khi trưng cầu - phải là quyết định cuối cùng 
(SGGPO).- Dự án Luật Trưng cầu ý dân với 9 chương, 56 điều vừa được Chủ tịch Hội Luật gia Nguyễn Văn Quyền trình bày tại phiên họp UBTVQH chiều 12-5. Đại diện cơ quan trình dự án nhấn mạnh, trưng cầu ý dân đã được thừa nhận rộng rãi như là một trong những giá trị của dân chủ trực tiếp trong xã hội hiện đại và rất nhiều nước (167/214, tức là  khoảng 78% quốc gia và vùng lãnh thổ) đã có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân.

Thảo luận về dự luật, các ý kiến trong UBTVQH còn băn khoăn về phạm vi và quy mô tiến hành trưng cầu ý dân, giá trị pháp lý của kết quả trưng cầu ý dân.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thẳng thắn: “Có một số việc không thể trưng cầu ý dân được, chẳng hạn các vấn đề liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, hoặc vai trò lãnh đạo của Đảng”.

Thống nhất sự cần thiết ban hành luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh: “Chúng ta tuy chưa có luật về trưng cầu ý dân, nhưng đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhiều lần, vậy cần làm rõ sự khác biệt về giá trị pháp lý, chứ không chỉ là cách thức (trưng cầu ý dân tiến hành thông qua hình thức bỏ phiếu - PV)”. Về phạm vi trưng cầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, có những việc không cần thiết trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước, nên nghiên cứu khoanh định rõ, tránh tiến hành tràn lan, lãng phí, mất công. Ông cũng lưu ý thêm: “Kết quả trưng cầu ý dân chỉ có giá trị thực hiện khi có trên 2/3 phiếu thuận; vậy nếu không đủ 2/3 phiếu thuận thì sau đó có tiếp tục tiến hành trưng cầu lại và nếu có thì sau bao lâu”?

Tuy nhiên, về phạm vi trưng cầu ý dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại ủng hộ phương án chọn của dự thảo: “Trưng cầu ý dân nên tiến hành trên phạm vi cả nước, ngay cả trong trường hợp chỉ liên quan trực tiếp đến một khu vực. Ví dụ việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử, phải được xem xét trên quan điểm lợi ích quốc gia chứ không nên nói là vì nhà máy xây dựng ở Bình Thuận nên nên chỉ cần trưng cầu ý kiến nhân dân khu vực đó”. Ông Uông Chu Lưu cũng đề nghị chú trọng đến vai trò giám sát của báo chí trong quá trình trưng cầu ý dân.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thể hiện quan điểm dứt khoát: “Loại vấn đề đưa ra trưng cầu là loại việc thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nhưng Quốc hội thấy rằng cần thiết phải để dân trực tiếp quyết định. Thế thì ý dân - sau khi trưng cầu - phải là quyết định cuối cùng”.
 
Theo chương trình xây dựng pháp luật, tại kỳ họp thứ 9 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật này. 

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục