(SGGP).– Chiều 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch. Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã quyết định lùi thời hạn trình dự án luật này trong năm 2013 để chờ Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020. Quốc hội quyết định đến khi nào thông qua xong đề án này thì sẽ xem xét, bổ sung dự án Luật Hộ tịch vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Mới đây, Chính phủ đã thông qua đề án này, vì vậy tại phiên họp UBTVQH lần này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình dự án Luật Hộ tịch. Theo đó, một trong nội dung quan trọng nhất của dự án này là số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên được lập trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của cá nhân, được cấp cho mỗi cá nhân để đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin, phục vụ lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Dự thảo luật cũng quy định tại UBND cấp xã chỉ có 1 loại sổ giấy là sổ bộ hộ tịch (thay vì nhiều sổ như hiện nay) để xác nhận sự kiện khai sinh của cá nhân và cập nhật các sự kiện hộ tịch tiếp theo của người đó đến khi chết. Sổ bộ hộ tịch cũng được lập và lưu giữ tại Bộ Ngoại giao để cập nhật, quản lý sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam đã đăng ký tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, để tạo thuận lợi cho người dân (không phải giữ quá nhiều giấy tờ hộ tịch như hiện nay), dự thảo luật quy định việc cấp trích lục hộ tịch cho người dân theo yêu cầu. Quy định này nhằm loại bỏ áp lực cho người dân trong việc phải lưu giữ, bảo quản bản chính giấy tờ hộ tịch, khắc phục tình trạng tốn kém chi phí in ấn, phát hành biểu mẫu hiện nay.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, dự án luật lần trước đã bị UBTVQH “gác”. Lần này trình lại thì xem đã đủ điều kiện trình chưa. Theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta đang học tập tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc lợi cho dân thì nhỏ mấy cũng phải làm: “Hiện một người dân có đến 20 loại giấy tờ. Có số định danh cá nhân thì còn mấy giấy, từ một cửa thành mấy cửa? Đây là câu hỏi từ những cuộc họp lần trước, giờ vẫn bức xúc như thế”.
Phát biểu thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho hay, hiện Chính phủ rất quyết liệt triển khai đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020. Theo đó, bắt đầu thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư của quốc gia từ 1-1-2016, đến 2020 kết thúc. Như vậy, tất cả mọi người khi đó đều có số định danh cá nhân, mang theo suốt đời. “Số định danh sẽ gắn liền với tất cả giấy tờ, đầu tiên là giấy khai sinh, sau này tất cả thủ tục khác như kết hôn, ly hôn, nhận con nuôi… chỉ cần khai số đó là tra được ra, giải quyết mọi thủ tục. Chúng tôi đã rất quyết tâm để làm được những yêu cầu đề ra của UBTVQH” - ông Cường nói.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng giải thích thêm, từ 1-1-2016, công dân không cần cầm theo giấy tờ gì cả vì tất cả dữ liệu lưu giữ trong sổ bộ hộ tịch của nhà nước, khi yêu cầu cấp trích lục gì là cấp được ngay. Người dân cũng không cần quay lại nơi gốc khai sinh. Ví dụ nếu tòa án xử ly hôn thì dữ liệu cũng hiện trên dữ liệu điện tử, tòa sẽ thông báo cho nơi giữ sổ bộ hộ tịch gốc. Người dân cũng không cần về nơi khai sinh để đăng ký kết hôn hay đăng ký giám hộ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cam kết chắc chắn không tăng biên chế tư pháp hộ tịch.
Tuy nhiên, giải thích của bộ trưởng vẫn chưa thuyết phục được UBTVQH. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng vì còn nhiều vấn đề cần được làm rõ nên đề nghị UBTVQH dừng dự luật này để cơ quan soạn thảo về làm lại, giải trình tất cả các vấn đề. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu rút kinh nghiệm việc chuẩn bị dự án luật, nhất là khi đã đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội rồi lại rút, đến khi trình lại vẫn không ổn. UBTVQH quyết định lùi thời hạn trình luật này sang năm 2014.
LÂM NGUYÊN