(SGGP).- Sáng 11-10, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến vào Báo cáo kết quả thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998-2010 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường về vấn đề này.
|
Theo các báo cáo nêu trên, đến cuối năm 2010, hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch của dự án đều đạt và vượt so với Nghị quyết của QH. Dự án đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bảo đảm quốc phòng an ninh…
Tuy nhiên, dự án cũng có những tồn tại, hạn chế cần được mổ xẻ, rút kinh nghiệm. Đặc biệt, việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn có nhiều vấn đề bất cập, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thị trường lâm sản trong nước chưa phát triển, nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu cho công nghiệp chế biến gỗ…
Từng có quá trình đi giám sát việc thực hiện dự án này ở nhiều địa phương, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa đều bày tỏ băn khoăn về tình trạng phá rừng vẫn diễn ra gay gắt.
“Có những vùng tôi từng sống và làm việc, sau gần 10 năm quay lại, rừng không những không nhiều thêm mà còn ít đi” - ông Ksor Phước đau xót. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, cần làm rõ về chất lượng rừng, dựa vào 4 yếu tố cụ thể: đất, nước, thực vật, động vật. Trồng cây công nghiệp không nên coi là trồng rừng, vì loại rừng này rất nghèo về đa dạng sinh học, không có giá trị giữ đất, giữ nước, phòng chống lũ cho hạ du… Ông cũng đề nghị Chính phủ bổ sung phần đánh giá tác động của các dự án thủy điện đến yêu cầu phát triển, bảo vệ rừng cũng như quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong công tác này.
Nhiều ý kiến trong UBTVQH thống nhất đánh giá, đây là yếu tố quyết định sự thành bại của việc phát triển, khoanh nuôi, chăm sóc và tiến tới khai thác nguồn tài nguyên rừng một cách bền vững.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Chính phủ và cơ quan thẩm tra đánh giá sâu sắc hơn nữa những mặt còn tồn tại, hạn chế của dự án để có thể thật sự yên tâm đề nghị QH cho khép lại dự án này.
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về hai dự án luật: Luật Phòng chống rửa tiền và Luật Bảo hiểm tiền gửi. Đối với dự án Luật Phòng chống rửa tiền, nhiều thành viên UBTVQH tán thành quan điểm “gói” phạm vi điều chỉnh của luật này trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, chưa đề cập đến vấn đề tài trợ khủng bố. Một số ý kiến trong UBTVQH đề nghị, cần bổ sung nội dung chống rửa tiền theo hướng quy định một số hình thức xử lý hành chính để hình thành một chương về xử lý vi phạm.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra: “Đây là vấn đề khó, thực tiễn ở Việt Nam cũng chưa nhiều, cần nghiên cứu thận trọng, không nên vì chạy gấp theo tiến độ mà làm cho xong”.
Nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi là chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân bằng đồng nội tệ. Nội dung này được sự đồng tình cao của Ủy ban Kinh tế và nhiều thành viên UBTVQH.
A. THƯ