Nhiều phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế ngày 5-8 cùng đưa tin về việc thu hồi khẩn cấp sữa nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum của tập đoàn Fonterra, New Zealand.
Che giấu thông tin?
Phát biểu trên Đài phát thanh New Zealand ngày 5-8, Thủ tướng New Zealand John Key đã mạnh mẽ chỉ trích tập đoàn sữa Fonterra của nước này quá chậm trễ trong việc đưa ra cảnh báo về các sản phẩm nhiễm vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Ông John Key cũng đặt câu hỏi tại sao Fonterra không hành động ngay lập tức khi kết quả xét nghiệm hồi năm ngoái cho thấy 3 lô hàng sữa protein cô đặc (WPC) có vấn đề. Theo Thủ tướng John Key, Chính phủ New Zealand có một đội ngũ hơn 60 nhân sự đang nỗ lực hạn chế hậu quả của vụ việc và sẽ kiểm tra kỹ lưỡng cách thức Fonterra xử lý cuộc khủng hoảng này.
Trước đó, Fonterra thừa nhận 3 lô WPC sản xuất hồi tháng 5-2012 bị nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum sản sinh ra độc tố gây tổn hại thần kinh. Các triệu chứng ngộ độc do vi khuẩn này bao gồm nôn mửa và tiêu chảy, sau đó có thể dẫn tới bị liệt, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các lô WPC trên đã được chế biến thành 870 tấn sản phẩm nhiều loại khác nhau từ sữa công thức trẻ em đến đồ uống thể thao tại nhiều thị trường, cụ thể là xuất khẩu qua Australia, Trung Quốc, Malaysia, Saudi Arabia, Thái Lan và Việt Nam.
Fonterra không xa lạ với người tiêu dùng vì chính công ty này sở hữu 43% cổ phần của công ty sữa Sanlu từng sản xuất sữa chứa melamine gây chết trẻ em ở Trung Quốc năm 2008. Vào tháng 12-2007, Sanlu đã nhận được các báo cáo về bệnh ở trẻ em sau khi uống sữa của Sanlu nhưng mãi đến tháng 9-2008 mới công bố và ngưng sản xuất.
Chấn động thị trường sữa thế giới
Thủ tướng John Key bày tỏ lo ngại vụ việc sẽ ảnh hưởng đến uy tín của New Zealand, là một nguồn cung cấp các sản phẩm sữa “xanh, sạch”, đặc biệt ở châu Á nơi sản phẩm sữa công thức trẻ em từ quốc gia này được đánh giá có tiêu chuẩn cao. Xuất khẩu các sản phẩm sữa là nguồn thu chủ yếu của New Zealand. Theo số liệu của Chính phủ New Zealand, ngành sữa đóng góp tới 2,8% cho GDP nước này và chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Fonterra là tập đoàn xuất khẩu các sản phẩm sữa lớn nhất thế giới, chiếm xấp xỉ 30% xuất khẩu sữa trên toàn cầu với doanh thu 19,8 tỷ NZD trong năm tài khóa 2012.
Cổ phiếu của Fonterra khi thị trường chứng khoán New Zealand mở cửa ngày 5-8 đã rớt giá tới 8,7% và dù sau đó có phục hồi đôi chút nhưng đến giữa ngày vẫn giảm 5,9% giá trị.
Nhiều thị trường nhanh chóng thu hồi sữa của Fonterra. Theo nguồn tin từ Bộ Thương mại New Zealand, sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu sữa bột của New Zealand, Nga cũng tiến hành thu hồi các sản phẩm sữa của Fonterra, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng nước này không sử dụng. Tại Thái Lan, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) ra lệnh thu hồi khẩn cấp các sản phẩm của Fonterra nhập khẩu từ tháng 5 để kiểm tra. Các sản phẩm của Fonterra xuất hiện dưới nhiều nhãn hàng khác nhau ở Thái như Anmum, Anlene, Anchor/Fernleaf.
Tại Malaysia, Bộ Y tế Malaysia xác định sản phẩm sữa Karicare của Nutricia cho trẻ từ 6 tháng tuổi là sản phẩm duy nhất “có khả năng nhiễm khuẩn gây ra chứng ngộ độc thịt”. Các sản phẩm Karicare nhập khẩu sẽ được thu giữ và kiểm tra.
Tại Australia, kênh ABC dẫn nguồn từ Nutricia (nhãn hàng của Fonterra) cho biết, một trong các lô hàng bị nghi ngờ nhiễm khuẩn được kiểm nghiệm nhưng cho kết quả âm tính với vi khuẩn Clostridium Botulinum. Nutricia cũng thu hồi 2 loại sữa bột cho trẻ em là Karicare Infant Formula Stage 1 và Karicare Gold+ Follow On Formula Stage 2.
Tại Trung Quốc, Cơ quan Dược phẩm và thực phẩm quốc gia (SFDA) của Trung Quốc đã gặp đại diện của 3 công ty nhập khẩu sản phẩm sữa nhiễm khuẩn của New Zealand, yêu cầu các công ty này ngừng bán và thu hồi mặt hàng. 3 công ty nhập khẩu trên bao gồm Công ty TNHH Sức khỏe Hàng Châu Wahaha, Công ty Coca-Cola của Trung Quốc và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dumex Baby có trụ sở tại Thượng Hải. Trước đó, SDFA đã có chỉ thị khẩn cấp tới các cơ quan chức năng liên quan đến ngành thuốc men và thực phẩm tại Thượng Hải và Chiết Giang phối hợp với Cục Kiểm dịch thanh tra giám sát chất lượng Trung Quốc cùng điều tra vụ việc.
VIỆT ANH (tổng hợp)