Không phải bỗng dưng mà sự kiện công bố HLV trưởng cho 2 đội tuyển Việt Nam vừa qua thiếu những nhân vật quan trọng nhất của VFF. Cũng không tự nhiên mà có chuyện 2 cầu thủ gốc Việt lại được bổ sung. Những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ nói trên đang phản ảnh sự sa sút về mặt uy tín của VFF trong con mắt của Tổng cục TDTT
Từ chuyện ông Phan Thanh Hùng
Hiểu đúng bản chất vấn đề thì chức danh HLV trưởng đội tuyển Việt Nam của nhà cầm quân đội HN T&T hiện nay do Tổng cục TDTT quyết định. Hay nói đúng hơn, ông Hùng đang được triệu tập làm nghĩa vụ quốc gia chứ chẳng phải do VFF thuê mướn. Tóm lại, chuyện ông Hùng lên tuyển chẳng liên quan gì đến tiến trình tìm kiếm HLV của VFF cả.
Vấn đề nằm ở chỗ, giả sử như Tổng cục quyết định ông Hùng sẽ dẫn dắt luôn đội tuyển tại AFF Cup 2012 thì sao. Trên thực tế, việc tìm HLV, thương thảo hợp đồng là của VFF nhưng người phê duyệt lại là Tổng cục. Không có sự đồng thuận từ cấp quản lý này thì VFF cũng đành chịu. Cũng vì việc Tổng cục không đồng ý cho “kiêm nhiệm” mà VFF gặp không ít khó khăn khi tìm tân thuyền trưởng. Từ sau thất bại trong thương vụ với F.Goetz, VFF đã đánh mất chữ “tín” trong mắt của cấp quản lý mình. Việc Tổng cục bố trí ông Phan Thanh Hùng lên tuyển “ngọt” đến mức khó tin lại càng cho chữ “tín” đó xuống thấp hơn nữa. Phải chăng vì thế mà các chóp bu của VFF đã không thể xuất hiện tại buổi họp báo công bố. Hình như đấy không phải là kết quả mà họ đem lại.
Đến chuyện cái uy của một tổ chức
Sự ra đời của VPF đã khiến vai trò của VFF sa sút một cách rõ ràng. Những người ăn lương của họ đồng loạt sang VPF nhận thêm lương với khối lượng công việc nhiều hơn. Đã không ít lần chúng tôi đề cập đến vấn đề: Nếu VPF làm việc quá hiệu quả thì VFF sẽ... làm gì? Tất nhiên, khi ấy, họ vẫn còn các đội tuyển để chăm lo. Nhưng bây giờ, ngay cả việc quyết định chiếc ghế HLV trưởng cũng không thoát khỏi cái bóng của Tổng cục thì VFF còn làm được gì?
Một tổ chức đứng đầu nền bóng đá, quản lý chừng ấy con người và tác động cực lớn đến đời sống xã hội mà không còn “UY” thì làm sao điều hành cho tốt được. Thế nhưng, trên thực tế, công việc của VPF đã bao trùm toàn bộ hoạt động của VFF. Lớn đến mức, từ đầu năm đến nay, chẳng ai biết VFF làm gì cả ngoài chuyện các lãnh đạo của họ đi họp, đi hội nghị... Các vấn đề đang sôi sùng sục tại giải nội địa hiện thời cũng nhìn vào VPF để đánh giá thay vì người chịu trách nhiệm phải là VFF.
Khi cái Uy không còn, chữ Tín cũng đã bị mờ nhạt thì người ta có quyền lo ngại đến tiến trình tìm kiếm HLV trưởng đội tuyển quốc gia đang đi vào ngỏ ngụt. Không phải bỗng dưng mà các quan chức cao cấp nhất của tổ chức này gần như kín tiếng trên “chính trường” suốt một thời gian qua.
Hồ Việt