Vaccine ngừa dại nhập khẩu tăng đột biến vẫn có nguy cơ thiếu

Số lượng vaccine dại nhập khẩu trong tháng 5-2018 cao gấp đôi số lượng nhập khẩu trung bình trong một tháng năm 2017 với tổng số 267.200 liều. Trong khi trong tháng 6 tới dự kiến lượng vaccine dại nhập khẩu sẽ khoảng 240.000 liều.
Nhu cầu tiêm vaccine phòng chống bệnh dại tăng cao
Nhu cầu tiêm vaccine phòng chống bệnh dại tăng cao
Ngày 25-5, trước nhu cầu sử dụng vaccine ngừa dại tăng cao, dẫn tới nguy cơ khan hiếm vaccine dại, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, qua báo cáo của các doanh nghiệp nhập khẩu, cung ứng vaccine phòng dại, tính đến ngày 21-5, đã có 103.000 liều vaccine Verorab, dự kiến trong tháng 6 có thêm 14.000 liều; vaccine Ahayrab đến ngày 27-5 sẽ có 138.000 liều, dự kiến đến tháng 6 có thêm 207.000 liều; vaccine Indirab tính đến ngày 20-5 là 25.000 liều và vaccine Speeda dự kiến cuối tháng 6 sẽ có 10.000 liều.

Đại diện Cục Quản lý Dược cho biết thêm, tổng số lượng vaccine dại nhập khẩu trong tháng 5-2018 cao hơn gấp đôi số lượng nhập khẩu trung bình trong một tháng năm 2017 với tổng số 267.200 liều. Trong khi trong tháng 6 tới dự kiến lượng vaccine dại nhập khẩu sẽ khoảng 240.000 liều. 

“Tính đến thời điểm hiện tại, lượng vaccine ngừa dại nhập khẩu về là đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêm chủng của người dân. Về khả năng cung ứng vaccine phòng dại trong năm 2018 cho thị trường Việt Nam là 2.156.740 liều, cao gấp 147% so với tổng số lượng vaccine phòng dại đã nhập khẩu trong năm 2017 và cao gấp 166% so với số lượng vắc xin phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm...”, ông Đông nêu rõ.

Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người và lãnh đạo một số Sở Y tế cùng đại diện các công ty nhập khẩu, cung ứng vaccine phòng dại đã có cuộc họp bàn nhằm tìm giải pháp đảm bảo cung ứng đầy đủ vaccine ngừa dại cho nhu cầu tiêm chủng của người dân. 

Theo đó, qua cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế chỉ rõ vaccine phòng dại là loại vaccine chống dịch bị động, không nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Do đó, đề nghị Sở Y tế các tỉnh thành giao công tác điều phối vaccine phòng bệnh dại cho Trung tâm Kiểm soát bệnh truyền nhiễm hoặc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố, cần tham mưu UBND dành kinh phí cho dự trữ.

Về hợp đồng giữa các cơ sở cung ứng với các đơn vị tiêm chủng, Cục Quản lý Dược hướng dẫn cần thể hiện dưới dạng hợp đồng chi tiết, có số lượng, giá từng loại vaccine và thời gian giao hàng, đồng thời nêu rõ ràng trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. 

Các đơn vị tiêm chủng phải có dự trữ số lượng vaccine tại kho để đủ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong ít nhất một tháng để đảm bảo không bị gián đoạn khi một loại vaccine nào đó có vấn đề về nguồn cung. 

Đồng thời, hợp đồng cung ứng vaccine dại nên ký với các loại vaccine của các nhà phân phối khác nhau, không nên chỉ sử dụng một loại vaccine của một nhà cung ứng ngay cả khi nguồn cung vắc xin đảm bảo để tránh bị phụ thuộc quá lớn vào một nguồn cung nào đó.

Lượng vaccine phòng chống dại được nhập khẩu tăng gấp đôi để đáp ứng nhu cầu cảu người dân
Đối với các các nhà sản xuất, nhập khẩu, cung ứng vaccine, Cục Quản lý Dược yêu cầu có trách nhiệm phải báo cáo kịp thời về Cục các trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng vaccine phòng dại tại Việt Nam như chậm, thiếu hoặc ngừng cung cấp vaccine.

Bộ Y tế cũng đề nghị các công ty nhập khẩu và phân phối vaccine phòng dại liên hệ ngay với các đơn vị hiện đang thiếu vaccine để cung ứng ngay lượng vaccine còn trong kho để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. 

Đối với vaccine đã nhập khẩu về, đang chờ Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (NICVB) kiểm định, đề nghị NICVB khẩn trương kiểm định xuất lô để kịp thời phục vụ tiêm chủng.

Tin cùng chuyên mục