Vài kỷ niệm với anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Vài kỷ niệm với anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên tại Mường Phìn, trên đất Lào vào cuối năm 1945, lúc anh Giáp tiễn Chủ tịch Xuphanuvông về Lào, để tham gia chính quyền cách mạng.

Trong trung đội quân giải phóng Huế, được đồng chí Nguyễn Chí Thanh chọn lựa, hộ tống bảo vệ Hoàng thân Xuphanuvông trở về Lào sau khi ông đã hội kiến với Bác Hồ để lập ra liên quân Việt Lào chống Pháp. Trong đoàn quân đó, tôi là chú liên lạc nhỏ tuổi nhất. Thấy tôi trong đoàn quân, cũng mặc quân phục, mũ ca lô sao vàng, súng ngắn bên hông, anh Giáp bắt tay tôi, anh nói: “Chà! Lính Huế oai dữ hè? Tên chi? Mấy tuổi?”. Sau khi nghe tôi đứng nghiêm trả lời. Anh ôm lấy tôi và vỗ vỗ sau lưng, nói: “Cố gắng lên em nhé. Em là chú bé trong quân đội ta lần đầu tiên đi giúp Lào”.

Thế rồi ngót 30 năm sau, đoàn nhà văn Huế chúng tôi đi thăm Lào. Đến Savănnãkhệt, Tô Nhuận Vỹ, Lê Thị Mây và tôi được bạn bố trí ở tại khu biệt thự của Hoàng thân Bun Ùm. Hôm sau, đoàn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm thành phố Savănnãkhệt, lại cũng đến ở đây. Phòng anh Giáp và chị Hà ở ngay bên cạnh phòng tôi.

Lúc chị Hà cùng đoàn đi dạo phố, anh Giáp bước qua phòng tôi, và hỏi chuyện khiến tôi vô cùng bất ngờ về trí nhớ tuyệt vời của anh: “Thế nào? Dạo này Tấn còn cho con voi, con ngựa nào lên báo Quân đội nữa không?”. Thì ra những truyện ngắn Con ngựa của tôi và Thần voi - voi thần của tôi in trên báo Quân đội, anh Văn đã đọc. Ngạc nhiên hơn, anh lại vỗ vỗ vai tôi và nói: “Không ngờ cái chú bé liên lạc năm xưa ở Mường Phìn, nay đã trở thành nhà văn quân đội”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các nhà văn quân đội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các nhà văn quân đội.

Ngày Đại hội Nhà văn lần thứ IV, anh Giáp đến đại hội. Các nhà văn quân đội xem anh như người anh cả, xúm xít đến bên anh. Anh nói: “Nào nào, chụp cái ảnh làm kỷ niệm. Mình được đứng cạnh các nhà văn” … Chúng tôi cười vui, sung sướng, đứa nào cũng muốn được đứng gần anh. Các đại hội sau này, sức khỏe của anh yếu đi. Anh không đến dự Đại hội nhà văn được, nhưng nhắn ra cho các nhà văn đồng hương (quê Quảng Bình của anh) và các nhà văn đã từng sống và viết ở Quảng Bình trong chiến tranh đánh Pháp và Mỹ vào thăm anh ở nhà riêng. Chúng tôi vui mừng, bấm tay, nháy mắt cho nhau lặng lẽ ra khỏi hội trường, lên xe đến nhà anh Giáp. Chúng tôi đến, chị Hà và cháu Hồng Anh ra tiếp. Mời chúng tôi vào phòng khách của anh Giáp và cho ăn kẹo sôcôla, uống trà. Chị Hà nói: “Kẹo của bà con Việt kiều tặng anh, anh để dành cho các nhà văn đấy”.

Tôi ngơ ngác nhìn quanh, không thấy anh đâu. Chị Hà nói: “Anh đang mặc quân phục, tiếp các nhà văn quân đội, nhất là các nhà văn quê hương, phải ăn mặc nghiêm chỉnh chứ”. Rồi từ phòng ngủ bước ra, anh mặc quân phục, hàm đại tướng, mái đầu bạc trắng chải ra sau thật gọn gàng, oai vệ. Chúng tôi vụt đứng dậy kính chào anh. Anh vẫy tay thân mật nói nhỏ nhẹ: “Ngồi. Mời ngồi. Uống nước ăn kẹo đi. Thế nào? Đại hội lần này có vui không?”. Chúng tôi tranh nhau kể anh nghe công việc viết lách. Sự đổi mới của các nơi và quê hương Quảng Bình. Anh ngồi nghe, chớp chớp mắt, xúc động.

Chúng tôi ai cũng mong anh mạnh khỏe, sống lâu. Cậu Hữu Phương, Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Bình, nói: “Chúng em kính chúc anh Văn sống lâu trăm tuổi”. Anh cười, nói: “Mình hứa sẽ cố gắng. Chỉ mong các nhà văn cũng cố gắng viết nhiều hơn nữa, hay hơn nữa về nhân dân anh hùng và quân đội anh hùng của chúng ta”. Chúng tôi cầu mong anh sống lâu trăm tuổi. Giờ đây, anh đã cố gắng và đạt được trăm tuổi rồi. Nếu bây giờ có dịp được gặp lại anh thì chúng tôi lại chúc anh sống lâu trên trăm tuổi.
 
Khi chia tay, tôi dừng lại bên anh, anh nói: “Mình đã đọc cuốn Tấn viết về anh Hà Văn Lâu rồi. Thế là tốt. Tấn có nhiều tư liệu về Lào. Nên viết về tình cảm đặc biệt giữa Lào và Việt Nam - nhất là viết về cụ Xuphanuvông”. Chị Hà cũng quan tâm đến sự viết lách của tôi, chị nói: Lần sau tái bản nhớ đổi cái tên Người đi từ làng Sình - giống cái tên ai đó đã viết về Bác Hồ Người đi từ Bến Nhà Rồng.

Tôi cảm động về sự quan tâm của anh Giáp, chị Hà đến công việc viết lách của tôi. Lúc đó tôi không hứa, nhưng âm thầm nghe lời anh Giáp, tôi đã viết 7 cuốn sách về Lào, trong đó có cuốn tiểu thuyết về cuộc đời cách mạng của Hoàng thân Xuphanuvông - một thái tử con vua, trở thành đảng viên Cộng sản.

Chắc chắn các nhà văn quân đội có nhiều kỷ niệm với anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi mong rồi đây, các nhà văn nói chung và nhà văn quân đội nói riêng, sẽ có những cuốn sách xứng đáng nói về anh Văn, một vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam ta.


Nhà văn TRẦN CÔNG TẤN

Tin cùng chuyên mục