Ván bài bầu cử

Hai ứng viên François Hollande của đảng Xã hội (SP) và Nicolas Sarkozy của đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) dẫn đầu cuộc bầu cử tổng thống vòng một của Pháp đang tìm mọi cách thuyết phục một bộ phận cử tri của các đảng khác quay sang bỏ phiếu cho mình trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống, sẽ được tổ chức vào ngày 6-5.

Ngoài thuận lợi là đã về đầu tại vòng một, ứng viên của SP lại nhận được sự ủng hộ vô điều kiện của ứng viên đảng Mặt trận cánh tả, ông Jean-Luc Melenchon, người về thứ tư, với 11,11% số phiếu và của bà Eva Joly, ứng viên của liên minh châu Âu Môi sinh – đảng Xanh, với hơn 2% số phiếu. Do vậy, về cơ bản, ông Hollande sẽ không thay đổi đường hướng vận động tranh cử cho vòng hai.

Đảng của ông Hollande cũng đang tìm cách thu hút cử tri của ông François Bayrou, thủ lĩnh đảng trung dung MoDem, với 9,13% số phiếu. Ở phía ông Sarkozy, dư luận đặc biệt quan ngại khi ông Sarkozy quay sang “ve vãn” cử tri của đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu (NF). Đáng chú ý là bà Marine Le Pen, ứng viên của NF, giành được số phiếu khá cao - 17,9%, về thứ ba ở vòng một. Một xu thế được nhiều nhà quan sát trên thế giới cho là quá nguy hiểm. Việc một số lượng đáng kể bỏ phiếu bầu cho bà Marine Le Pen phản ánh nỗi bất an của cử tri Pháp trước sự bế tắc của nền kinh tế.

Với một chủ trương như bao đảng cực hữu khác, đảng của bà Marine Le Pen đã trở thành cái phao cho những người mất niềm tin. Đó là chủ trương bài ngoại, bài dân nhập cư, tách khỏi EU, chống toàn cầu hóa… Theo báo “Liberation”, trong một bài phát biểu mang đầy chất cực hữu tại Longjumeau, ngoại ô Paris, ông Sarkozy nói rằng ông hiểu sự đau khổ của cử tri NF đồng thời ủng hộ việc tăng cường an ninh, siết chặt luật nhập cư và bảo vệ biên giới chống lại người nước ngoài. Ông Sarkozy cho rằng sự hào phóng của nước Pháp khi cho quá nhiều người nhập cư đến Pháp đã làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, chưa chắc cử tri của bà Marine Le Pen đi theo ông Sarkozy, nhân vật đã làm cho họ thất vọng trong suốt thời gian cầm quyền vừa qua. Nhiều cử tri ủng hộ đảng cực hữu của bà Marine Le Pen cho biết họ sẽ ủng hộ ông Hollande, hàm ý coi đây là một cuộc cách mạng, với mục đích làm suy yếu đảng cánh hữu UMP của ông Sarkozy, tạo thuận lợi cho đảng NF trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 và đưa vị thế bà Le Pen lên như một thủ lĩnh của cánh hữu tại Pháp.

Mặc dù vậy, ông Sarkozy vẫn tin là có thể lật ngược được thế cờ. Trong vòng hai, tương quan lực lượng là 1 chọi 1, thay vì 9 chọi 1 như ở vòng đầu. Ông có thể tập trung sức lực vào một đối thủ. Theo AFP, thậm chí ông tìm cách dấy lên phong trào “bài Hollande” để chứng minh rằng ứng viên của SP không đủ tầm cỡ lãnh đạo một quốc gia trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Cánh hữu còn dọa dẫm, với ông Hollande làm Tổng thống, nước Pháp có nguy cơ chung số phận như Hy Lạp.

Vậy ông Sarkozy còn cơ may thắng cử hay không, câu trả lời là có thể, nhưng cực kỳ khó. Theo thăm dò dư luận, ông Sarkozy có thể nhận được sự ủng hộ của khoảng 50% đến 60% cử tri của phía NF và 25% của đảng trung dung MoDem, nhưng tỷ lệ này không đủ để giúp ông vượt qua được ứng viên Hollande. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục