Thời gian qua, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, địa phương… được ký, ban hành một cách vội vã, thiếu kiến thức pháp luật và tầm nhìn khiến dư luận rất bất bình, bức xúc vì thiếu tính khả thi hoặc trái với luật pháp.
Rõ ràng, việc ban hành những văn bản trái luật không đơn giản chỉ là chuyện sửa sai bằng cách hủy bỏ, rút kinh nghiệm sau khi văn bản bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”, mà còn khiến dư luận có cái nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí mất niềm tin vào cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản đó. Hệ lụy sẽ không nhỏ khi để dư luận mất niềm tin vào trình độ, năng lực và tư duy của một số cơ quan quản lý nhà nước; về sự minh bạch, tính khả thi của các loại văn bản được ban hành; về trách nhiệm cá nhân… Đó là chưa kể việc ban hành văn bản trái pháp luật, sau đó hủy bỏ chắc chắn gây ra lãng phí tiền bạc nhà nước lẫn thời gian công sức.
Việc ban hành văn bản thiếu tính khả thi trên thực tế có dấu hiệu vi phạm luật pháp về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài chuyện đương nhiên văn bản đó phải bị hủy bỏ, cần thiết phải xem xét, xử lý kỷ luật, thậm chí nếu thấy gây thiệt hại lớn, có thể truy cứu trách nhiệm của những cá nhân tham mưu, nhất là trách nhiệm của người có thẩm quyền ký, ban hành các loại văn bản đó. Có thực hiện như vậy, mới chấn chỉnh được tình trạng ban hành văn bản bừa bãi và nâng cao trách nhiệm cá nhân có thẩm quyền trong việc ban hành các loại văn bản.
NGUYỄN ĐƯỚC