Vẫn cần có nhau

Ngày 20-10, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif bắt đầu chuyến công du Mỹ. Đây là chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên sau 14 năm qua của người đứng đầu Chính phủ Pakistan. Dư luận trông đợi vào kết quả của chuyến công du bởi nó sẽ đánh dấu bước hòa giải giữa 2 quốc gia từng là đồng minh đã trở nên căng thẳng trong vài năm gần đây.

Quan hệ 2 bên rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng đặc biệt sau khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ đột nhập lãnh thổ Pakistan tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden hồi tháng 5-2011. Ngoài ra, Pakistan cũng thường xuyên tố cáo Mỹ đã xâm phạm chủ quyền khi đưa máy bay không người lái hoạt động chống khủng bố ở các khu vực bộ tộc thuộc vùng Tây Bắc Pakistan.

Washington Post nhận định, sau khi ông Sharif tái đắc cử Thủ tướng, chính phủ của Tổng thống Obama đã xác định mục tiêu phải cải thiện quan hệ ngoại giao với Pakistan, bước quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố thời hậu Bin Laden. Để xoa dịu chính phủ mới, Mỹ đã đồng ý tăng tốc giải ngân khoản viện trợ quân sự và kinh tế trị giá 1 tỷ USD. Dù vẫn còn những bất đồng nhưng 2 nước đều có mối quan tâm chung đến Afghanistan. Các quan chức Mỹ phải tích cực làm việc để ngăn chặn sự hồi sinh của Taliban, trong khi Pakistan lại lo lắng sâu xa hơn về thời hậu cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan.

Ước tính hiện nay cho thấy, khoảng 1,5 - 3 triệu người tị nạn Afghanistan đang sống ở Pakistan, một gánh nặng cho Pakistan khi phải xử lý hàng tỷ USD trong nợ nần và một nền kinh tế trì trệ. Cũng vì lẽ này, an ninh sẽ là mối quan tâm hàng đầu trong cuộc trao đổi giữa Tổng thống Obama và ông Sharif trong khi Thủ tướng Pakistan lại ưu tiên hơn cho lĩnh vực kinh tế ở các cuộc hội đàm.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Pakistan nêu rõ, chuyến đi sắp tới của Thủ tướng Pakistan sẽ là cơ hội để làm nổi bật những ưu tiên của chính phủ đối với sự phát triển kinh tế của Pakistan, cũng như để thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác song phương và chia sẻ lập trường về hòa bình và ổn định tại Nam Á và Trung Đông, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Rõ ràng, đây là thông điệp nhấn mạnh đến yếu tố hợp tác và bày tỏ mong muốn quan hệ hai bên quay trở lại thời kỳ tốt đẹp trước vụ tiêu diệt Bin Laden năm 2011. Giới chức Mỹ cũng bày tỏ lạc quan về chuyến công du của ông Sharif và cho rằng đây là một tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn bày tỏ thái độ e dè về chuyến thăm của ông Sharif. Một số nhận định cho rằng 2 bên sẽ hợp tác nhưng chưa chắc sẽ nồng ấm. Do từ trước đến nay, người Pakistan có xu hướng nghĩ về Mỹ như là một kẻ hay bắt nạt. Theo quan điểm của họ, Washington đã dùng con bài viện trợ để khiến Pakistan phải phụ thuộc. Washington sẵn sàng rút nó đi lúc muốn thúc ép những thay đổi chính sách. Còn ở phía kia, người Mỹ xem Pakistan là kẻ vô ơn khi nhận viện trợ kinh tế và quân sự trị giá gần 40 tỷ USD kể từ năm 1947 nhưng sẵn sàng quay lại đáp trả Mỹ khi không vừa ý.

Những rào cản khiến cả 2 bên đều ngầm hiểu rằng lợi ích của họ không hội tụ đủ để khiến họ trở thành các đối tác mạnh mẽ. Nhưng vì mục đích “vẫn cần có nhau”, sự hòa giải vẫn là yếu tố cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục