Bất chấp bom đạn ở Syria, Raghad al Sous vẫn tiếp tục đến trường trước khi chạy tỵ nạn sang Anh năm 2013 để gặp lại mẹ - người được cấp quy chế tỵ nạn tại Anh. Hiện cô chuẩn bị vào trường đại học với hy vọng để trở thành một dược sĩ. Raghal là ví dụ cho thấy người nhập cư không hẳn là sự cản trở nền kinh tế và dịch vụ công của Anh như nhiều người vẫn nghĩ.
Không chỉ ở Anh, hiện nay, khắp châu Âu, các nhà tuyển dụng đang sẵn lòng chào đón dòng lao động nước ngoài có đào tạo tốt để bù đắp lại sự lão hóa của dân số. Các số liệu vừa được công bố cho thấy số người nhập cư vào Anh đã lên đến mức kỷ lục 330.000 người từ các nước trong Liên minh châu Âu (EU) và từ bên ngoài khối đến để kiếm việc làm. Institute of Directors, một mạng lưới các nhà tuyển dụng ở Anh cho rằng, phân nửa các công ty thành viên của mạng lưới này đã tuyển dụng người nhập cư bởi kỹ năng của họ và các dịch vụ công cộng ở Anh phụ thuộc vào họ.
Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) ước tính rằng người nhập cư chiếm 70% trong sự gia tăng lực lượng lao động của châu Âu trong 10 năm, từ 2004 - 2014. Các nhà tuyển dụng lao động châu Âu thừa nhận họ cần nhiều lao động nước ngoài để lấp vào các loại công việc, từ những vị trí có tay nghề cao đến những vị trí bình thường lương thấp mà người châu Âu sở tại không muốn làm nữa. Còn các tổ chức phi chính phủ ở Đức cho biết, nhiều người chạy tỵ nạn chiến tranh từ Syria, Iran và Iraq, được đào tạo bài bản, đã giúp tạo nên một sự thu hút tiềm năng đối với nhà tuyển dụng ở các nước sở tại. Chính phủ Đức dự kiến số người tỵ nạn và tìm kiếm quyền tỵ nạn đã tăng gấp 4 lần trong năm nay, lên tới 800.000 người, một phần từ cuộc khủng hoảng nhập cư lớn nhất trong lịch sử châu Âu kể từ Thế chiến thứ II. Berlin cũng gửi các quan chức chính phủ đến các trại tỵ nạn để tăng tốc đào tạo các kỹ năng và ngôn ngữ cho những người tỵ nạn mà có khả năng sẽ được ở lại đất nước này.
Các nghiên cứu gần đây cũng phát hiện rằng người nhập cư đã đóng thuế nhiều hơn là nhận được lợi ích từ nước sở tại - nơi mà phần lớn chính phủ vẫn còn đang vật lộn với hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Hơn nữa, người nhập cư ít có khả năng đòi hỏi quyền lợi hơn so với người bản địa khi mà nghiên cứu của Đại học College London (UCL) cũng đánh giá thấp chi phí cung cấp dịch vụ công cộng cho người nhập cư.
Tuy nhiên, hình ảnh những dòng người di cư đổ về các biên giới ở miền Đông châu Âu cũng khiến nhiều nước lo ngại. Hãng tin Reuters dẫn một cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu vừa công bố cho thấy vấn đề người nhập cư đứng đầu vị trí danh sách những lo lắng của người dân châu Âu, vượt qua cả những lo ngại về kinh tế. Ở Pháp, các nhà tuyển dụng cho biết họ không thể “nhiệt tình” như Đức vì tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp là hơn 10%, gấp đôi tỷ lệ này của Đức. Chính phủ Anh cũng nói rằng họ đang cố gắng hạn chế số người nhập cư xuống 100.000 người mỗi năm, ít hơn 1/3 so với con số hiện tại. Bộ trưởng Ngoại giao nước này cho biết người nhập cư châu Phi là mối đe dọa đối với mức sống của châu Âu.
Hạnh Chi