Vẫn chưa thống nhất về thẩm quyền điều tra của Công an xã

Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 17-8.
Vẫn chưa thống nhất về thẩm quyền điều tra của Công an xã

(SGGPO).- Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 17-8.

Theo Báo cáo xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn của dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày tại phiên họp, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp tán thành với dự thảo Luật không quy định Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà chỉ quy định trách nhiệm của Công an xã như Điều 43 của dự thảo Luật.

Vẫn theo người đứng đầu Ủy ban Tư pháp, trên thực tế, nhiều trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là cơ quan trực tiếp, đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã nên việc giao các cơ quan này việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thực hiện một số hoạt động có liên quan đến điều tra như quy định trong dự thảo Luật là phù hợp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phát biểu tại phiên họp của UBTVQH về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 43 của dự thảo Luật đã được thiết kế cụ thể theo các khoản quy định về trách nhiệm của Công an xã riêng và trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an riêng cho phù hợp với thực tiễn; đồng thời quy định thẩm quyền của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an đối với một số hoạt động nhất định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Về trách nhiệm của Công an cấp xã trong việc bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, dự thảo Luật đã được chỉnh lý phù hợp với quy định của pháp luật đối với việc bắt, khám xét người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã về thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí, bảo quản đồ vật, tài liệu có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu người bị truy nã, người bị hại, người biết sự việc, bảo vệ hiện trường theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an để phục vụ cho hoạt động điều tra.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cơ bản tán thành quan điểm của cơ quan thẩm tra. Ông nói thêm: “Thực tế Trưởng và Phó Trưởng Công an xã cũng đã qua đào tạo với trình độ tương đương trung cấp, họ cũng có hiểu biết và kỹ năng cần thiết để thực hiện nghiệp vụ điều tra bước đầu”.

Tuy nhiên, tại phiên họp, nhiều ý kiến trong UBTVQH vẫn tỏ ra băn khoăn về quy định tại Điều 43 dự thảo Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói: “Pháp lệnh công an xã hiện nay có nhiều quy định không còn phù hợp với Hiến pháp 2013 và nhiều luật khác. Chẳng hạn như giao cho Công an xã thẩm quyền khám xét, tiến hành điều tra, lấy lời khai, giữ người; trong khi theo Hiến pháp 2013 thì những hành vi này phải điều chỉnh bằng luật. Chính vì thế nên thẩm quyền, trách nhiệm của lực lượng Công an xã cần được rà soát kỹ. Mặt khác, công an xã không phải là cơ quan điều tra nên việc quy định về lực lượng này vào Điều 43 của Luật này là không phù hợp”.

Dự họp, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng trung ương Nguyễn Doãn Khánh đồng tình với Chủ nhiệm Phan Trung Lý: “Những cơ quan không phải cơ quan điều tra hình sự thì không đưa vào đây. Công an xã, thậm chí cả Công an phường cũng chỉ là cơ quan hỗ trợ điều tra tiền tố tụng mà thôi”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục