(SGGPO).- Chiều 20-11, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và thảo luận ở hội trường về vấn đề này.
Qua thảo luận, vẫn còn 2 luồng ý kiến về một số nội dung trong dự thảo như quy định về các mức tín nhiệm, thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm…
Về thời hạn lấy phiếu tín nhiệm, dự thảo Nghị quyết quy định: QH, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 1 lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của ĐBQH phát biểu tại hội trường như ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Võ Thị Dung (TPHCM), Chu Sơn Hà, Bùi Thị An (Hà Nội)… đều cho rằng, nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ là phù hợp.
Theo giải thích của ĐB Chu Sơn Hà, lần lấy phiếu tín nhiệm thứ nhất là lần giám sát và lần thứ hai chính là hình thức “tái giám sát” của các đoàn ĐBQH, của QH và cử tri đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.
Đồng tình lấy phiếu hai lần trong một nhiệm kỳ, ĐB Lê Thị Nga phân tích, dự thảo quy định chỉ lấy phiếu một lần vào kỳ họp cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ là chưa hợp lý vì quá muộn, người được lấy phiếu không còn nhiều thời gian khắc phục nhược điểm. “Khoa học quản lý cho thấy đặt một người vào vị trí lãnh đạo thì trong vòng 6 tháng là có thể đánh giá chất lượng công tác của người đó. Cả về lý thuyết và thực tiễn thì QH và cử tri cũng khó chấp nhận sau gần 1 năm rưỡi mà người đứng đầu vẫn chưa làm quen với công việc, việc chỉ đạo điều hành chưa có kết quả thực tế. Cũng khó chấp nhận sau chừng ấy thời gian mà các vị đại biểu của dân lại chưa thể đánh giá các chức danh được lấy phiếu”, bà Nga nói.
Từ một khía cạnh khác - vẫn theo ĐB Nga - việc lấy phiếu lần sau có thể là sự ghi nhận kết quả nỗ lực khắc phục hạn chế sau lần lấy phiếu thứ nhất. Nếu đã có sự cải thiện, sửa chữa rồi mà không cho cơ hội để ghi nhận thì không công bằng và cũng chưa thể hiện tính nhân văn của việc lấy phiếu. Trong khi đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông và Thống đốc Ngân hàng nhà nước vừa qua - lần lấy phiếu thứ hai - đã có sự cải thiện tín nhiệm đáng kể và là minh chứng thuyết phục cho việc cần lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ.
ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) cũng thẳng thắn nêu quan điểm: “Cử tri phản ánh với chúng tôi rằng, liệu có phải khi đặt vấn đề sửa đổi NQ 35 QH đã quá vội vã vì quá lo lắng cho “an toàn tín nhiệm” của các đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm hay không? Ý kiến của cử tri rất đáng để chúng ta suy nghĩ”.
Đại biểu Võ Thị Dung phát biểu tại phiên họp Quốc hội. Ảnh: Lã Anh
Về các mức độ tín nhiệm, trong khi dự thảo Nghị quyết sửa đổi vẫn giữ nguyên như Nghị quyết 35 của QH, với 3 mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”, thì hầu hết các ý kiến đều cho rằng chỉ nên lấy 2 mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Tuy nhiên, ĐB Danh Út (Kiên Giang) lại bày tỏ đồng tình với dự thảo.
ĐB Chu Sơn Hà đề nghị UBTVQH công bố công khai kết quả phiếu xin ý kiến của các ĐBQH về dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 7. Theo ĐB, đó là căn cứ quan trọng để sửa đổi Nghị quyết theo ý kiến của đa số ĐBQH.
ANH THƯ