Vẫn còn thời gian

Như vậy Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần hai ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã kết thúc với sự e ngại về vấn đề của CHDCND Triều Tiên vẫn chưa được giải tỏa. Bất chấp những lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với việc phóng vệ tinh, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ không thay đổi kế hoạch phóng vệ tinh vào tháng tư tới.

Như vậy Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần hai ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã kết thúc với sự e ngại về vấn đề của CHDCND Triều Tiên vẫn chưa được giải tỏa. Bất chấp những lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với việc phóng vệ tinh, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ không thay đổi kế hoạch phóng vệ tinh vào tháng tư tới.

Theo các nguồn tin quốc tế, Triều Tiên đã lần đầu tiên công bố chi tiết về một vệ tinh thời tiết mà nước này có kế hoạch phóng lên quỹ đạo. Triều Tiên mô tả tên lửa này là một “công cụ thu dữ liệu khí tượng địa tĩnh tiên tiến qua vệ tinh”. KCNA khẳng định Kwangmyongsong-3 (Ngôi sao sáng chói) là vệ tinh vô cùng hữu ích đối với việc nghiên cứu dự báo thời tiết cần thiết cho nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác.

KCNA dẫn lời Ủy ban về Công nghệ vũ trụ của Triều Tiên cho biết, Triều Tiên sẽ mời các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm về khoa học vũ trụ và công nghệ cũng như các nhà báo tới thăm trạm phóng vệ tinh và các cơ sở khác vào tháng tới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên còn tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ quyền được phóng vệ tinh vì mục đích hòa bình của mình. Đó là quyền hợp pháp của một nhà nước có chủ quyền và là một bước đi cần thiết để phát triển kinh tế”.

Giải thích của Triều Tiên không làm thế giới bớt lo ngại, kể cả Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất. Mỹ và các nước đồng minh coi đó là vỏ bọc cho một vụ thử tên lửa đạn đạo và vi phạm các nghị quyết của HĐBA Liên hiệp quốc. Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Trung Quốc gia tăng sức ép đối với Triều Tiên để Bình Nhưỡng thay đổi lập trường trong vấn đề hạt nhân, đồng thời cảnh báo siết chặt trừng phạt nếu Triều Tiên thực hiện kế hoạch phóng tên lửa vào tháng 4.

Phía Trung Quốc cũng đã cam kết cố gắng thuyết phục Triều Tiên không tiến hành phóng tên lửa như đã thông báo, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng hành động đó có thể gây ảnh hưởng xấu đối với hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như các nỗ lực nhằm nối lại các cuộc đàm phán sáu bên về giải trừ vũ khí hạt nhân.

Phản ứng đối với kế hoạch hành động của Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này có thể bắn hạ tên lửa mà Triều Tiên nếu trong quá trình phóng tên lửa bị chệch hướng và rơi xuống lãnh thổ Hàn Quốc. Trong khi đó tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka cho biết sẽ ra lệnh sẵn sàng đánh chặn tên lửa của Triều Tiên nếu tên lửa này rơi vào lãnh thổ Nhật Bản. Hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không Patriot PAC-3 cũng được triển khai ở thủ đô Tokyo, đồng thời Nhật Bản chuẩn bị bố trí PAC-3 ở các đảo phía Tây Nam, bao gồm Okinawa…

Trong nhiều thập kỷ qua, mục đích của Bình Nhưỡng là mở rộng chủ nghĩa xã hội trên toàn bán đảo Triều Tiên nhưng mục tiêu này đã trở nên lu mờ trong nạn đói vào những năm 1990. Bài viết trên Asian Affairs từng nhận định, chiến lược quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên cần tập trung vào các biện pháp đáp ứng các nhu cầu trong nước của nước này.

Việc cung cấp viện trợ kinh tế để thúc đẩy các ngành công nghiệp của Triều Tiên sẽ là một trong những lựa chọn hợp lý nhất, vì những lo ngại của nước này cũng chủ yếu xuất phát từ suy sụp kinh tế. Nay tình hình xung quanh vấn đề phóng vệ tinh của Triều Tiên đang ngày càng căng thẳng. Tuy nhiên, vẫn còn thời gian để các bên xử lý những khúc mắc khi tên lửa Triều Tiên chưa rời bệ phóng. 

NGUYỄN KHẮC ĐỨC

Tin cùng chuyên mục