Vận động, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi doanh nghiệp - Phải dùng đòn bẩy kinh tế

Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần cải cách môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt hơn cho DN nhỏ và vừa phát triển.
Mua bán ở cửa hàng một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng. Ảnh: THÀNH TRÍ
Mua bán ở cửa hàng một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng. Ảnh: THÀNH TRÍ

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng đội ngũ 500.000 doanh nghiệp (DN), dựa vào hai nguồn lực là số lượng DN phát triển tự nhiên và hộ kinh doanh (HKD) chuyển đổi mô hình hoạt động lên DN. Riêng năm 2017, TPHCM đưa ra chỉ tiêu có khoảng 20.000 DN (trong tổng số hơn 60.000 DN thành lập mới) được chuyển đổi từ các HKD cá thể. Tuy nhiên, theo các sở ngành, quận huyện, con số này rất khó chạm tới.

Trầy trật...

Số liệu từ các sở ngành chức năng của TPHCM cho thấy, TP hiện có khoảng 280.000 HKD cá thể. Trong đó có hơn 14.800 HKD có sử dụng hóa đơn; hơn 21.200 HKD lớn (theo tiêu chí doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng), nhưng không sử dụng hóa đơn. Các HKD hiện đóng góp cho ngân sách TP khoảng 2%.

Theo Quyết định số 1482 của UBND TPHCM về kế hoạch phát triển 500.000 DN đến năm 2020, TP đã giao chỉ tiêu cho từng quận huyện từ nay đến năm 2020, mỗi quận huyện sẽ vận động khoảng 10% số HKD chuyển đổi lên DN.

Cụ thể trong năm 2017, quận 1 phải “gánh” chỉ tiêu vận động 2.324 HKD lên DN, quận 5 là 632 hộ, quận 12 là 1.161 hộ, quận Bình Tân 1.754 hộ, quận 7 là 1.531 hộ, quận Bình Thạnh 1.462 hộ, quận Thủ Đức 1.492 hộ, Gò Vấp 1.333 hộ…

Để thực hiện nhiệm vụ này, TPHCM đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách vận động, hỗ trợ các HKD chuyển đổi thành DN. Đồng thời, lãnh đạo TPHCM khẳng định quan điểm tạo môi trường thuận lợi cho tất cả loại hình kinh doanh, không làm khó, ép buộc hộ cá thể lên DN cho đủ số lượng, chỉ tiêu mà cần tập trung vào chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Dù vậy, sau nhiều tháng triển khai, theo các địa phương, việc chuyển đổi các HKD rất khó có thể đạt chỉ tiêu đề ra. Quận triển khai thành công cũng chỉ có hơn 100 HKD chuyển đổi, số còn lại chỉ dừng ở mức vài chục hộ.

Chị Đ.T.K.C, chủ một cửa hàng thực phẩm (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh), cho biết quận cũng tổ chức phổ biến về việc chuyển đổi hình thức kinh doanh, xem ra khá phù hợp với những nhóm hàng mà chị đang bán vì nếu có hóa đơn đầu vào sẽ được khấu trừ thuế. Tuy nhiên, nếu chuyển đổi thì vấn đề đầu tiên cửa hàng vấp phải là thêm người thực hiện các thủ tục khai báo thuế và mức thuế có thể sẽ khác. Trong khi đó, từ trước đến nay cửa hàng do hai mẹ con chị quản lý, mức thuế khoán chỉ đóng rất gọn nhẹ 2 lần/năm.

“Lâu nay các cửa hàng tạp hóa truyền thống “sống” và cạnh tranh được với các loại hình kinh doanh hiện đại là nhờ giá bán rất linh động. Do chi phí thấp, không phải thuê người bán hoặc mặt bằng nên tôi có thể chiết khấu trực tiếp vào giá bán cho khách hàng. Nếu lên DN, chi phí đội thêm, sẽ rất khó cạnh tranh”, chị Đ.T.K.C nói.

Là DN chuyển đổi từ HKD từ nhiều năm trước, anh Đỗ Ba, chủ công ty chuyên cung cấp nhôm và kính, phân tích: “Đúng là chuyển lên DN, “bộ máy” nhân sự khá rườm rà nhưng làm riết rồi quen. Vấn đề quan trọng là khi chuyển đổi lên DN phải phát triển thêm các đối tác kinh doanh, mở rộng quy mô, tăng doanh thu, ngược lại sẽ không hiệu quả bằng mô hình HKD”.

Quan điểm của anh Đỗ Ba khá tương đồng với những trăn trở của nhiều HKD. Bởi lẽ, vấn đề mấu chốt vẫn là lợi ích của việc chuyển đổi mô hình kinh doanh là gì và khả năng phát triển của DN sau khi chuyển đổi đến đâu…

Vận động, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi doanh nghiệp - Phải dùng đòn bẩy kinh tế ảnh 1 Một cửa hàng tạp hóa quy mô lớn ở quận 6, TPHCM. Ảnh: Thành Trí
Nuôi dưỡng doanh nghiệp mới

Ông Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng về bản chất HKD và DN vừa và nhỏ là một, nhưng chính sách hiện nay rất phân biệt và có nhiều trường hợp HKD bị loại ra khỏi chính sách nên bị hạn chế so với DN. Chẳng hạn, việc hạn chế quyền kinh doanh, chỉ được đăng ký tại một địa điểm, hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận huyện, không mở chi nhánh, văn phòng đại diện, bị hạn chế huy động vốn…

Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, dù có những hạn chế nhưng mô hình HKD vẫn có những lợi thế nhất định so với DN. Nếu là DN, môi trường kinh doanh tại Việt Nam ghi nhận thời gian và chi phí khởi sự mất ít nhất 24 ngày; kinh doanh khó khăn, muốn rút khỏi thị trường phải mất 60 tháng; mất đến 540 ngày cho thời gian trả thuế… Trong khi với các HKD lại đơn giản hơn trong chế độ sổ sách kế toán: hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập, lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập DN. Chỉ có 6 loại sổ sách kế toán so với vài chục loại của DN vừa và nhỏ; chỉ đóng thuế môn bài, nộp kê khai hoặc thuế khoán, không phải đóng thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân hoặc thu nhập DN, thuê, tuyển lao động dễ dàng hơn... Điều này có thể lý giải vì sao các HKD e ngại việc chuyển đổi thành DN.

Vậy làm thế nào để khi doanh nhân ra kinh doanh chọn mô hình DN chứ không phải HKD? Thực tế tại quận 5, qua 6 tháng đầu năm 2017 có tới 540 HKD đăng ký thành lập mới, đồng thời cũng có 372 DN thành lập.

Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần cải cách môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt hơn cho DN nhỏ và vừa phát triển. Trong quá trình thúc đẩy HKD lên DN nên dùng các đòn bẩy kinh tế hơn là mệnh lệnh hành chính. Điều quan trọng nhất, chính HKD phải nhìn thấy được lợi ích lớn hơn chi phí khi chuyển đổi thành DN, trong đó yếu tố miễn giảm thuế trong thời gian nhất định được xem là yếu tố cốt lõi để tạo điều kiện, nuôi dưỡng các DN mới chuyển đổi lớn mạnh.

Theo UBND TPHCM, để triển khai Nghị quyết số 35 của Chính phủ về việc hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, TPHCM đã xây dựng kế hoạch đội ngũ DN có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 65% GRDP, khoảng 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 36% trở lên. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 6,5%/năm, hàng năm có 30% - 35% DN có hoạt động đổi mới, sáng tạo. 

Tin cùng chuyên mục