Đúng như nhận định của các chuyên gia, TPHCM đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Các cơn mưa lớn đổ xuống TPHCM ngày một nhiều hơn và TPHCM ngập nặng nề hơn.
Để đối phó với tình trạng này, TPHCM đã và đang triển khai xây dựng nhiều công trình chống ngập. Xây dựng hệ thống đê bao trị giá gần 10.000 tỷ đồng; phục hồi một phần và lắp đặt cống cho kênh Hàng Bàng; lắp đặt hệ thống bơm nước tại một số khu vực ngập nặng… Tuy nhiên, dường như các giải pháp “mềm”, uyển chuyển hơn, có sự tham gia của đông đảo người dân, chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, các giải pháp mềm có vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác chống ngập khi biến đổi khí hậu diễn ra ngày một gay gắt hơn. Bởi lẽ, các cơn mưa sẽ ngày một dữ dội còn các công trình xây dựng bị giới hạn bởi thiết kế…
Là một thành phố lớn, có tốc độ đô thị hóa cao, theo nhiều chuyên gia, TPHCM nên bắt đầu các giải pháp “mềm” trong chống ngập bằng cách vận động người dân lựa chọn vật liệu và các giải pháp thông minh, thân thiện với môi trường trong xây dựng. Ví dụ, nên vận động người dân sử dụng gạch không nung để xây dựng nhà và các công trình kiến trúc khác. Hiện nay đã có loại xi măng có khả năng thấm nước. Để làm gương và cũng để làm mẫu, TPHCM có thể yêu cầu các cơ quan công sở sử dụng các loại vận liệu xây dựng thân thiện với môi trường này. Chưa hết, trong chiếu sáng và sử dụng năng lượng hiệu quả, TPHCM nên có hẳn một chiến dịch truyền thông vận dụng người dân sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, làm bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời…
Trước đây, tại TPHCM có chương trình khuyến mãi tặng tiền cho người dân lắp đặt bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời. Nay có thể tiếp tục chương trình ấy. TPHCM có thể vận dụng các doanh nghiệp sản xuất các vật dụng này tham gia chương trình bằng cách cùng thành phố tuyên truyền cho người dân biết tác dụng tốt của việc sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng cũng như cùng thành phố chia sẻ một phần kinh phí vận động người dân.
Hiện nay trên rất nhiều tuyến đường của TPHCM… hầu như không có cây xanh. TPHCM có thể vận động người dân tại các khu vực này trồng cây xanh tại nhà. Nếu diện tích nhà, đất của người dân quá nhỏ, không thể trồng cây lớn thì có thể vận động họ trồng các loại cây dây leo. Trồng những loại cây này không tốn quá nhiều đất nhưng hiệu quả che nắng rất cao bởi thân của chúng có thể bò rộng ra.. Trồng cây xanh không những giúp làm mát mà còn có thể làm đẹp các công trình. Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng không thiếu những loại cây dây leo có cả 2 đặc tính: làm mát và làm đẹp. Cây hoa giấy, cây mẫu đơn leo… Hiện nay trên thị trường, giá của các loại cây này chỉ khoảng 100.000 đồng/gốc. Tất nhiên, nếu mua nhiều sẽ còn được giảm giá… TPHCM có thể vận động các doanh nghiệp hỗ trợ một phần kinh phí trồng cây cho người dân. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã ủng hộ hàng tỷ đồng cho TPHCM trồng cây xanh. Tại sao không phát huy?
Nếu toàn thế giới chưa có giải pháp mạnh mẽ để hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu thì TPHCM sẽ còn phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề của tình trạng này. Trong bối cảnh này, triển khai thêm những giải pháp “mềm” song song với các giải pháp xây dựng công trình là phương cách chống ngập, thích ứng với biến đổi khí hậu, hiệu quả nhất.
SƠN LAM