Năm nay (2012) là năm thứ 13 chương trình “Văn hay chữ tốt” do Báo Sài Gòn Giải Phóng với sự tài trợ của Công ty Prudential Việt Nam tổ chức trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Đây không chỉ là một sự kiện giáo dục, còn là một sự kiện văn hóa được xã hội quan tâm, chú ý. Chương trình “Văn hay, chữ tốt” đã trở thành một sân chơi thường kỳ hàng năm cho các em học sinh phổ thông “tập làm văn, luyện chữ đẹp”, góp phần tạo nên sự hào hứng trong học tập môn văn, sự say mê rèn luyện chữ viết. Đối với các em học sinh phổ thông, đây là điều hết sức cần thiết để các em học tập tốt hơn. Đối với văn hóa xã hội, chương trình này góp phần tích cực để mọi người quan tâm chú ý nhiều hơn đến vấn đề học văn và chữ viết.
Thực tế ngày nay cho thấy với công nghệ kỹ thuật số, với sự lan rộng của internet, chữ viết tay ngày càng ít sử dụng. Thư điện tử, tin nhắn đang lần lần thay thế cho các trang giấy viết chữ tay.
Hiện tượng trên là một minh chứng rõ ràng cho sự phát triển văn hóa xã hội, một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước ta, một thành tựu nổi bật trong việc nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.
Giao dịch điện tử, kết nối liên thông quản lý hành chính và sản xuất kinh doanh thông qua các hệ thống mạng điện tử là một yêu cầu cơ bản trong công tác quản lý, điều hành, là tiền đề cho nền kinh tế tri thức. Một ngày nào đó thư điện tử thay thế hoàn toàn thư viết tay trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội là điều tất yếu.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ văn hóa, điều này cần được suy xét kỹ hơn. Một lá thư điện tử bày tỏ tình cảm đôi lứa, hay gửi cho cha mẹ, con cái (những người thân thiết nhất) luôn có cái gì đó khác lạ với thư viết tay dù cùng một nội dung câu chữ. Vấn đề không chỉ ở hình thức. Dẫu không tới mức độ như dấu vân tay, song chữ viết đều mang dấu ấn, tính cách riêng của mỗi người.
Đọc lá thư viết tay, người ta thấy được một phần nào đó về diện mạo và tính cách người viết. Hay nói khác hơn, tấm lòng người viết được thể hiện nhiều hơn qua lá thư viết tay. Ở góc độ tâm lý, người nhận được thư viết tay cảm thấy được tình cảm và sự trân trọng của người viết. Từ những trình bày trên, có thể rút ra nhận thức rõ hơn về thư điện tử và thư viết tay và khẳng định chữ viết tay luôn luôn tồn tại theo dòng chảy phát triển văn hóa.
Ai cũng biết, ngôn ngữ là một đặc trưng của văn hóa. Trong ngôn ngữ, chữ viết là sự thể hiện rõ nhất. Trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, bảo vệ và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn xã hội. Chính vì vậy, có thể nói, chương trình “Văn hay chữ tốt” của Báo Sài Gòn Giải Phóng do Công ty Prudential tài trợ cũng là một hoạt động bảo vệ và nâng cao tiếng Việt, chữ viết, góp phần nâng cao bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trần Văn