Tính đến cuối tháng 11-2016, ngành xuất bản nộp lưu chiểu hơn 26.000 xuất bản phẩm với trên 259 triệu bản in, trong đó sách in có hơn 24.000 nhan đề, sách điện tử 120 nhan đề, số còn lại là dạng tranh ảnh, bản đồ, đĩa và lịch…
Ổn định xuất bản
Như vậy, so với năm 2015, xuất bản trong năm 2016 không có biến động lớn. Số sách xuất bản tương đương, trong khi số bản in giảm so với 270 triệu bản của năm 2015. Thậm chí ngay cả với các sản phẩm văn hóa như lịch, tranh ảnh, bản đồ… khác cũng không có sự thay đổi đáng kể nào về mặt số lượng bản in.
Thị trường xuất bản đang đáp ứng tốt nhu cầu bạn đọc mọi lứa tuổi
Năm 2016 cũng ghi nhận tình trạng xuất bản theo trào lưu. Vài năm trước mảng sách du ký, hành trình được bạn đọc chú ý đã kéo theo việc các đơn vị làm sách cho xuất bản hàng loạt đầu sách mang chủ đề này. Thế nhưng từ giữa 2015, dòng sách này đã dần mất đi sức thu hút và thay vào đó là mảng sách hồi ký nhân vật, sách lịch sử văn hóa địa danh được chú ý nhiều hơn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của những người làm sách thì các dòng sách này cũng đang mất dần sức hấp dẫn của bạn đọc. Chính vì vậy, dịp cuối năm 2016 cũng là thời gian xuất hiện tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau như là một nỗ lực tìm kiếm nhu cầu mới của bạn đọc. Trong đó, đáng chú ý là sự phát triển mạnh của dòng sách “khởi nghiệp” đang được bạn đọc quan tâm chú ý. Việc xuất bản sách theo trào lưu, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc theo từng thời kỳ được xem là một hình thức xuất bản hiện đại, phù hợp với thực tế văn hóa đọc hiện nay.
Chấn chỉnh các nhà xuất bản
Hai nhiệm vụ quan trọng, được Cục Xuất bản ưu tiên của năm 2017 là chống sách lậu và chấn chỉnh hoạt động của các nhà xuất bản (NXB). Từ khi nền xuất bản Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn mở cửa và chuyên nghiệp thì sách lậu trở thành vấn nạn. Năm 2016, ghi nhận tình trạng sách lậu chưa giảm bớt, thậm chí việc in lậu ở nước ta còn được các NXB nước ngoài biết đến, gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động. Dù trong năm 2016, Cục Xuất bản đã cùng tham gia Đoàn Kiểm tra liên ngành phòng, chống in lậu trung ương tiến hành 16 cuộc thanh tra, kiểm tra và đã ra 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 235 triệu đồng. Tuy nhiên, mức xử phạt như trên quá nhẹ và chưa phản ánh đúng thực trạng in lậu trong nước hiện nay. Và dự báo, tình trạng in lậu sẽ vẫn tiếp tục là vấn nạn của ngành xuất bản trong năm 2017, khi vẫn chưa có biện pháp thực sự hiệu quả nào để ngăn sách lậu.
Năm 2017, Cục Xuất bản sẽ tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát điều kiện hoạt động, quy trình xuất bản, chấn chỉnh quy trình hoạt động của các NXB, đặc biệt là hoạt động liên kết xuất bản... Việc chấn chỉnh hoạt động của các NXB cũng không phải vấn đề mới mà đã được nêu ra từ rất lâu trước đây. Hiện cả nước có 60 NXB nhưng ước tính chỉ 4 NXB có lợi nhuận, khoảng 10 - 15 NXB hoạt động ổn định, còn lại hầu hết là hoạt động thiếu hiệu quả. Thậm chí, có những NXB hầu như không hoạt động mà chỉ tồn tại nhờ khoản phí từ việc cấp phép xuất bản cho các đơn vị liên kết. Đây được xem là khe hở lớn của ngành xuất bản khi mà từ đây, nhiều ấn phẩm kém về chất lượng, sai sót lớn về nội dung lại có thể xuất hiện hợp pháp trên thị trường, gây dư luận tiêu cực thời gian qua.
Tăng cường năng lực kết nối
Một trong các dự án lớn của Cục Xuất bản trong năm 2017 là triển khai thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu ngành xuất bản, in, phát hành”. Đây được xem là công cụ hiệu quả trong toàn ngành nhằm nhiều mục tiêu, từ hỗ trợ công tác đăng ký xuất bản, giám sát các xuất bản phẩm, hỗ trợ các đơn vị trong việc tham khảo thông tin các ấn phẩm chuẩn bị hoặc đã xuất bản và đặc biệt là góp phần chống sách lậu khi các đơn vị chức năng có thể dễ dàng truy cập nhằm xác định sách thật hay sách lậu. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu này cũng giúp các đơn vị quản lý xuất bản có cái nhìn trực quan, cụ thể về ngành xuất bản với thời gian ngắn. Nhưng nếu có quá nhiều đơn vị đăng ký các đầu sách có nội dung giống nhau, Cục Xuất bản có thể đề xuất các đơn vị thay thế mảng đề tài khác tránh tình trạng dư thừa sách cùng nội dung trên thị trường như đã xảy ra với mảng sách lịch sử văn hóa vừa qua. Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin toàn ngành xuất bản này đã được đề xuất từ cách nay gần 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể thành hình, tuy nhiên các thử nghiệm đã diễn ra với quy mô nhỏ như với lịch bloc vài năm qua.
Một trọng tâm khác cũng được Cục Xuất bản nhắc đến là việc khôi phục, duy trì và phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm cấp huyện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn… Đây là một thực tế tồn tại hiện nay trong lĩnh vực xuất bản, nhất là ở khâu phát hành. Hệ thống các nhà sách của cả nước hiện đã phát triển chuyên nghiệp ngang tầm khu vực với các nhà sách có quy mô lớn, hiện đại. Tuy nhiên, hầu như tất cả hệ thống nhà sách đều chỉ đặt ở các đô thị, trung tâm lớn, có sức mua tốt mà bỏ qua các địa phương vùng sâu, vùng xa có điều kiện khó khăn tạo nên tình trạng mất cân bằng trong phổ biến văn hóa đọc hiện nay.
Tường Vy