Văn hóa - Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp

Từ thành công của chương trình “Satra vì biển đảo quê hương”, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) vừa ký kết kế hoạch hợp tác toàn diện với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Thời gian ký kết kéo dài đến năm 2020.
Công nhân Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (Satra) tham gia giờ lao động vì Trường Sa
Công nhân Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (Satra) tham gia giờ lao động vì Trường Sa

Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Satra, cho biết qua 7 năm thực hiện, chương trình “Satra vì biển đảo quê hương” đã có sức sống đặc biệt trong lòng hàng chục ngàn người lao động trong hệ thống Satra, thể hiện rõ giá trị văn hóa doanh nghiệp (VHDN). Chương trình là một hoạt động nổi bật vì cộng đồng, thể hiện trách nhiệm với xã hội; đồng thời, thể hiện giá trị cốt lõi của thương hiệu Satra.

- PHÓNG VIÊN:

“Tài sản” lớn nhất của thương hiệu Satra như ông đề cập ở trên là gì?

>> Ông NGUYỄN MINH HÙNG: Tài sản quý nhất của chúng tôi không phải là mặt bằng, nhà xưởng hay dòng tiền mà là con người Satra, văn hóa Satra. Văn hóa là nền tảng, động lực để mỗi doanh nghiệp tồn tại, tự tin phát triển, bước qua và xử lý khủng hoảng, tạo nên những sản phẩm có thương hiệu riêng cho doanh nghiệp mình. Cũng chính với suy nghĩ đó, những năm qua, Satra đã bắt tay ngay vào việc xây dựng bộ tiêu chí văn hóa doanh nghiệp và kiên trì triển khai trong hệ thống của mình. Hệ thống tiêu chí này được coi như yếu tố then chốt quyết định sự thành công lẫn “bộ mặt” của doanh nghiệp, bởi nó thể hiện rõ tầm nhìn, sứ mệnh hoạt động, triết lý và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. 

Trong mỗi giai đoạn cụ thể, giá trị các nhân tố cốt lõi của VHDN được tổng công ty điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với môi trường bên trong và bên ngoài, cũng như sự phát triển của doanh nghiệp. Một khi VHDN được điều chỉnh phù hợp sẽ tạo động lực, điều kiện để doanh nghiệp phát triển; điều phối, kiểm soát hoạt động, giúp giảm thiểu các xung đột trong công việc và sinh hoạt. Bên cạnh đó, việc xây dựng VHDN góp phần làm cầu nối để doanh nghiệp và người lao động có mối quan hệ hài hòa, hợp tác cùng nhau phát triển. 

Tuy nhiên, do các tiêu chí xây dựng VHDN có nội hàm rất rộng, nhiều nội dung liên quan nên để thực hiện thành công, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía mỗi doanh nghiệp trong hệ thống. Quan trọng nhất là tâm huyết của lãnh đạo, bởi chiều sâu văn hóa của doanh nghiệp cũng chính là thể hiện văn hóa của doanh nhân.

- Biểu hiện cụ thể của VHDN mà Satra tự hào nhất là gì, thưa ông?

Bên cạnh sự chính trực, chính sự gắn kết, sẻ chia giữa các thành viên trong hệ thống doanh nghiệp thành viên là một nét văn hóa mà chúng tôi rất tự hào. Là doanh nghiệp thương mại có hơn 17.000 lao động, lãnh đạo Satra từ trước đến nay đều xác định đặt con người vào vị trí trung tâm, không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của công nhân viên chức - lao động với phương châm “Người lao động là tài sản quý của doanh nghiệp”. Việc chăm lo cho người lao động không chỉ thể hiện trách nhiệm mà còn là nét văn hóa thấm đẫm nghĩa tình của Satra từ trước đến nay. Những món quà đong đầy sự biết ơn và yêu thương từ ban lãnh đạo đã giúp người lao động thêm vững tin vào “Ngôi nhà Satra”, phát huy tốt nhất sức mạnh tập thể trong sản xuất - kinh doanh. 

Chính từ sự gắn kết, sẻ chia đã xây dựng, khi Đảng ủy Satra phát động chương trình “Satra vì biển đảo quê hương” đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người lao động trong hệ thống. Chương trình này duy trì từ năm 2011 đến nay, với nhiều nội dung nhằm hỗ trợ cho bà con ngư dân bám biển quê hương, hỗ trợ các đơn vị và gia đình chiến sĩ hải quân, lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biển (kiểm ngư, cảnh sát biển…). Chương trình đã tạo điều kiện để đảng viên và người lao động Satra hiểu rõ hơn về đường lối, chủ trương và giải pháp của Đảng, Nhà nước, quân đội ta trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, thể hiện rõ trách nhiệm của Satra đối với xã hội và qua đó cũng thể hiện sinh động giá trị cốt lõi của thương hiệu Satra.

- Qua 7 năm, chương trình đã thực hiện được các nội dung gì nổi bật, thưa ông?

Không chỉ đóng góp cụ thể về kinh phí qua các đợt phát động (đã ủng hộ được hơn 20 tỷ đồng từ nhiều nguồn huy động), tập thể lao động thuộc hệ thống Satra còn có những hình thức khác nhau thể hiện nghĩa tình hậu phương quân đội và tiếp sức ngư dân đang ngày đêm bám biển. Chương trình “Giờ lao động vì Trường Sa thân yêu” được tổ chức tại nhiều đơn vị, góp phần nâng cao tình yêu Tổ quốc và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương trong đông đảo công nhân lao động trực tiếp sản xuất. Toàn bộ giá trị tạo ra từ ngày lao động này sẽ sử dụng hỗ trợ ngư dân bám biển, ủng hộ chiến sĩ hải quân bảo vệ biển đảo. 

Ngoài ra, chương trình đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực khác như cử đại diện tham gia đoàn đại biểu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM hàng năm đi thăm và tặng quà bộ đội làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1; tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao với các đơn vị thuộc Vùng 2 và Vùng 4 hải quân trong các dịp tết cổ truyền của dân tộc. Trao kinh phí hỗ trợ gia đình các quân nhân hy sinh trong vụ tai nạn máy bay Su30-MK2 và Casa 212, xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ ngư dân hoàn cảnh khó khăn, trao tặng các trang thiết bị cho các đơn vị quân đội và ngư dân, khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, trao tặng học bổng… Công tác truyền thông, quảng bá cho chương trình tạo được bước đột phá; năm 2016 đã tổ chức thành công hội thi “Biển đảo trong tim ta”. 2017 là năm thứ 7 liên tiếp, chương trình được phát động và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, sôi nổi, mang tính tự giác cao của đảng viên, cán bộ, người lao động Satra.

- Xin cảm ơn ông!

Văn hóa doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phát triển thành vấn đề lớn của doanh nghiệp, doanh nhân và lấy ngày 10-11 hàng năm là Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Tại buổi lễ phát động thực hiện Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam vào tháng 11-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Văn hóa doanh nghiệp, các nguyên tắc cơ bản, giá trị cốt lõi không thể tách rời khỏi tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có nền tảng văn hóa mạnh cũng là những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và sứ mệnh tốt đẹp; biết hài hòa, cân bằng các lợi ích giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa lợi nhuận với lợi ích của cộng đồng, giữa các mục tiêu ngắn hạn với các phương châm phát triển bền vững. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu hóa của thế kỷ 21”.

Tin cùng chuyên mục