Những năm gần đây, giao thông luôn là một vấn đề thời sự nóng trên phạm vi cả nước, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM và các tuyến quốc lộ giao thông huyết mạch… Đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo với quy mô tầm mức khác nhau được tổ chức nhằm tìm ra những nguyên nhân và giải pháp phòng chống tai nạn, ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn nạn giao thông vẫn chưa giải quyết căn cơ, còn gây nhức nhối trong đời sống xã hội.
Theo nhận định chung, có 2 vấn đề then chốt trong giao thông là hạ tầng cơ sở vật chất của giao thông và văn hóa giao thông. Bài viết nhỏ này xin chỉ bàn thêm một vấn đề cốt lõi trong văn hóa giao thông.
Ai cũng biết, văn hóa giao thông là một bộ phận cấu thành văn hóa cộng đồng, một nền tảng để xây dựng nếp sống văn hóa công cộng. Văn hóa giao thông cũng là một thành tố quan trọng tạo dựng tầm mức văn hóa con người. Một người có văn hóa nhất thiết phải có văn hóa giao thông. Người không chấp hành luật lệ giao thông, cho dù học hàm học vị cao đến mấy cũng không thể coi là người có văn hóa được. Bởi vậy, có thể khẳng định tự giác chấp hành những quy định của luật lệ giao thông là một biểu hiện rõ ràng của văn hóa giao thông.
Điểm then chốt của vấn đề này là ở ý thức tự giác. Tức là, việc chấp hành luật lệ giao thông đã trở thành một thói quen, một bản năng với tinh thần thoải mái, trách nhiệm cộng đồng. Chấp hành luật lệ giao thông với thái độ đối phó không phải là người có văn hóa giao thông. Để có ý thức tự giác ấy, dĩ nhiên con người phải loại bỏ lối sống ích kỷ, thờ ơ vô trách nhiệm với xã hội, với người khác.
Văn hóa luôn có sự kế thừa phát triển và sự gắn kết. Do vậy, xây dựng văn hóa giao thông cần có sự phối hợp của toàn xã hội. Từ gia đình, nhà trường đến các cơ sở sản xuất, cơ quan, công sở đều phải vào cuộc chăm lo giáo dục nhân cách, tôn vinh lòng nhân ái “thương người như thể thương thân; tinh thần dũng cảm đấu tranh chống lại những cái ác, cái xấu...”.
Khi cái đẹp của nhân cách tỏa sáng, thói xấu ích kỷ hẹp hòi sẽ bị loại bỏ. Khi cái đẹp của nhân cách tỏa sáng trên đường lưu thông, chắc chắn sự lưu thông sẽ sáng sủa hơn, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông sẽ giảm. Thực tế cho thấy, bức tranh giao thông còn nhiều mảng tối một phần do những người ích kỷ vì lợi ích riêng nên phóng nhanh, vượt ẩu, len lách vượt đèn đỏ, đi ngược chiều; còn có những chàng trai, cô gái gắn máy nghe nhạc trong tai phóng xe gắn máy không biết nhường đường, xin đường...
Đại văn hào Lỗ Tấn (Trung Quốc) có câu nói rất hay “Bởi có nhiều người đi nên thành đường”. Văn hóa giao thông suy đến cùng vẫn là văn hóa con người. Bảo vệ mình, bảo vệ người, bảo vệ luật lệ xã hội trong lưu thông là thể hiện rõ ràng nhất về đạo đức, nhân cách.
Hoàng Tân