Văn hóa giao thông là một thành tố để xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Điều này đã được đề cập nhiều lần trong các cuộc vận động người dân thực hiện trong suốt thời gian qua. Thế nhưng, có vẻ như việc vận động đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả vì thực tế trật tự trong giao thông đô thị vẫn luôn… thiếu trật tự.
Nhiều du khách Nhật khi tham quan các thành phố lớn ở Việt Nam, nhất là Hà Nội và TPHCM đã đưa ra nhận xét: người Việt Nam thân thiện, hiền hòa, mến khách, nhưng không hiểu sao khi leo lên xe là trở thành một người khác! Có lẽ nhận xét “nhức nhối” này là một sự thật mất lòng, nhưng ai cũng có thể chứng kiến được khi bước ra đường. Dễ thấy nhất, dù chỉ là một vụ va quẹt nhỏ nhưng nhiều người sẵn sàng lớn tiếng, thậm chí đánh nhau giữa đường. Ô nhiễm không khí đã và đang là vấn nạn cần giải quyết bằng các phương pháp khoa học, nhưng ô nhiễm tiếng ồn từ… tiếng còi xe thì chỉ có thể giải quyết bằng ý thức. Có xe là có tiếng còi, đến đinh tai nhức óc.
Đôi khi không hiểu người ta bấm còi để làm gì. Hàng ngàn phương tiện đang đông cứng trong một vụ kẹt xe nhưng tiếng còi xe máy, xe buýt, xe tải vẫn vang lên inh ỏi. Đường đâu để chạy mà phải bóp còi? Không chỉ luật quy định, mỗi người đều được học những bài học vỡ lòng là không nên và không được bấm còi xe khi đi ngang bệnh viện, trường học nhưng gần như không còn ai nhớ đến điều đó. Thậm chí, các bác tài xe buýt trong áo xanh đồng phục, lái những chiếc xe có dòng chữ “xe buýt mẫu”, là công trình thanh niên của đoàn viên thanh niên trong ngành, vẫn cứ vô tư nhả còi đến rát tai bất cứ nơi nào, vào giờ giấc nào.
Tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách gần đây đã giảm, nhưng hẳn chưa phải do ý thức, mà có lẽ do… tất cả các tuyến đường đều có “lô cốt” trấn giữ, muốn phóng nhanh, muốn lạng lách cũng không được! Văn hóa giao thông… thời “lô cốt” cho thấy đã phát sinh nhiều nét tối, từ những đơn vị thi công đến người tham gia giao thông. Sau khi những công trình thi công hoàn thành, đường phố gần như bị băm nát do việc tái lập mặt đường cẩu thả. Đường đã hẹp, nay càng thêm xấu, vậy là mọi người phải chen nhau, phải cố vượt lên bất chấp những tín hiệu tĩnh như đèn giao thông, vạch giới hạn hay các biển báo. Thậm chí, cảnh sát giao thông cũng phải bất lực trước rừng phương tiện đang chen nhau, vì muốn “giải cứu” cũng không có lối…
Những hình ảnh chưa đẹp ấy xuất hiện ngày càng nhiều. Và người tham gia giao thông đa phần ở độ tuổi thanh niên, độ tuổi vẫn còn hoặc vừa rời ghế nhà trường không lâu, vẫn còn những bài học nằm lòng về ý thức, trách nhiệm công dân, nhưng đã không hành xử như vậy. Hiện có xu hướng xấu đi trong việc ý thức cũng như chấp hành luật lệ giao thông. Điều này nếu kéo dài sẽ dần hình thành một nếp nghĩ dễ dãi trong mỗi người khi tham gia giao thông. Sẽ là quá muộn nếu để xu hướng này ngày càng phát triển.
Hướng Dương