Văn hóa học đường và vai trò người thầy

Văn hóa học đường và vai trò người thầy

Thời gian qua, rộ lên chuyện giáo viên mắng chửi, xúc phạm học sinh, gây bức xúc trong dư luận. Đó là điều đáng tiếc, bởi trong xã hội ta, dù được gọi là giáo viên (cũng có thể hiểu đơn giản là người dạy học) nhưng nhà giáo luôn được sự kính trọng, nể nang không nhỏ. Vì vậy, nhà giáo luôn được xem là một hình mẫu trong học tập, sinh hoạt, ứng xử, không chỉ trong nhà trường mà cả ngoài xã hội.

Giáo viên Trường mẫu giáo Hoàng Minh Đạo (Củ Chi) hướng dẫn các cháu cắm hoa. Ảnh: Mai Hải

Giáo viên Trường mẫu giáo Hoàng Minh Đạo (Củ Chi) hướng dẫn các cháu cắm hoa. Ảnh: Mai Hải

Thế nhưng lâu nay, không phải là không có hiện tượng một bộ phận thầy cô giáo chưa thể hiện được tính hình mẫu của mình. Có một số người “thương mại hóa” học đường, thậm chí còn tầm thường hóa nơi từng gọi là cửa Khổng sân Trình bằng cách lôi kéo học sinh học thêm, ứng xử theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa, mượn tiền học sinh và gia đình học sinh… Có thầy cô chưa nghiêm túc trong học tập, thi cử - kể cả sử dụng tài liệu khi thi giáo viên dạy giỏi. Có thầy  cô ăn mặc, đầu tóc quá “sành điệu” không phù hợp với môi trường sư phạm. Có một vài nam giáo viên còn có cử chỉ, thái độ không đúng mực với các học sinh nữ. Nhất là tình trạng nhiều thầy giáo hút thuốc trong nhà trường, say xỉn khi đứng lớp… Tất cả những điều đó đã ít nhiều làm giảm đi vẻ đẹp vốn có của người thầy – vốn được tôn vinh là những “kỹ sư tâm hồn”.

Nói vậy không phải đổ hết lỗi cho các thầy cô giáo. Trong khi xã hội còn một số biểu hiện chưa lành mạnh trong lối sống, nếp nghĩ, cách ứng xử… thì các chính sách đãi ngộ cho giáo viên còn chưa hợp lý để nhiều giáo viên chưa thể toàn tâm toàn ý với thiên chức của mình. Thành ra dạy học vô hình trung trở thành một nghề – một công việc – như những nghề, những công việc khác, tức là thực tế khách quan đã tác động làm người thầy tự tầm thường hóa vai trò của mình. Đã vậy, biện pháp quản lý trong nhà trường cũng còn lỏng lẻo. Chẳng hạn, có nơi cấm học sinh hút thuốc trong nhà trường nhưng không áp dụng với giáo viên; học sinh có thái độ bất kính với thầy cô ít được xử lý nghiêm túc…

Dù thế nào, với thiên chức của mình, nói về văn hóa học đường thì chính các thầy cô trước hết phải làm gương, phải là hình mẫu, từ những việc nhỏ nhất. Nếu cấm học sinh chạy xe trong trường thì thầy cô phải xuống xe dắt bộ qua cổng; nếu vận động học sinh nhặt rác bỏ vào thùng thì thầy cô phải có ý thức thường trực vệ sinh môi trường; nếu yêu cầu học sinh mặc đồng phục đến trường thì thầy cô cũng phải ăn mặc lịch sự, đứng đắn; nếu buộc học sinh lễ phép thì chính thầy cô phải lịch sự, tôn trọng với nhau và với học sinh; nếu kêu gọi học sinh siêng năng học tập thì thầy cô phải không ngừng trau dồi kiến thức để truyền đạt cho học sinh nhiều điều mới mẻ; nếu kỷ luật học sinh cãi vã, đánh nhau thì cũng phải xử lý nghiêm thầy cô nặng lời với học sinh và nhất là dùng nhục hình… Có như vậy chính thầy cô mới có sức hút, mới tạo ra sự lan tỏa trong học sinh để các em có nhận thức đúng đắn với người thầy nói riêng và về những điều tốt đẹp trong xã hội nói chung, từ đó mới tự giác thực hiện.

Xã hội ta đang ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ở phạm vi hẹp của nhà trường, cần nhấn mạnh nội dung “học tập và làm theo tấm gương các thầy cô”, bên cạnh các phong trào khác. Đó không chỉ tạo ra một môi trường văn hóa lành mạnh trong học đường mà còn tạo ra sự thay đổi lớn về chất lượng và hiệu quả giáo dục.

TRỊNH MINH GIANG (Thủ Đức)

Tin cùng chuyên mục