Văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 21-6, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 
Văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội

 Bên cạnh một số thành tựu như đời sống về vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, Bộ VH-TT-DL cũng thẳng thắn nhận định văn hóa chưa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị như nghị quyết nêu ra.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, thời gian qua, ngành văn hóa đã đạt được nhiều kết quả, trong đó nổi bật là tư tưởng, đạo đức, lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đạt được nhiều kết quả tích cực, văn học nghệ thuật đã nắm bắt được dòng chảy chính, có nhiều tác phẩm tốt… Tuy nhiên, tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế làm xuất hiện tâm lý thực dụng và cá nhân cực đoan, ích kỷ, ngộ nhận những giá trị văn hóa tư bản chủ nghĩa, coi thường và lãng quên những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn chưa đầy đủ; nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam một số nơi chưa có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ. Hệ thống thiết chế văn hóa hiện tại một số địa phương, từ cấp tỉnh đến cơ sở thiếu kinh phí hoạt động, hiệu quả hoạt động chưa cao...Thị trường văn hóa phát triển còn manh mún, tự phát, chưa chuyên nghiệp...

Theo lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, trong thời gian tới, quá trình hội nhập quốc tế sẽ tiếp tục tạo nên một hình ảnh xã hội Việt Nam năng động hơn. Nhưng những mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến từng gia đình, các quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng đòi hỏi sự đổi mới về công tác quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa... Do đó, ngành văn hóa sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người...

Bộ VH-TT-DL kiến nghị Ban Bí thư có kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014. Các cấp ban, bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội cần tiếp tục nâng cao nhận thức về văn hóa, từ đó khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị tăng mức đầu tư cho văn hóa đạt 2% tổng chi ngân sách Nhà nước (tương đương khoa học công nghệ) để văn hóa có điều kiện phát triển… 

Tin cùng chuyên mục