Văn hóa lễ hội bị biến dạng

“Nóng” nhất tuần qua vẫn là chuyện lễ hội sau tết với những hình ảnh không đẹp, phi văn hóa nhan nhản khắp nơi. Sau khi đã “vỡ trận” Hội Gióng, Cổ Loa, Hội Lim, chùa Hương, qua Vĩnh Phú, xuôi Hải Phòng… đến Đền Trần thì dường như đã quá mệt với chiến thuật “biển người” tranh cướp, giẫm đạp, không khí tại Thành Nam bước đầu đã yên ắng trở lại. Nguồn tin “chiến trận” cho hay sau một đêm hỗn chiến “cướp lộc”, buổi sáng chủ nhật người dân cũng đã nghe được tiếng chim hót khi ấn Đền Trần chính thức “ế” và ai thích thì đều kiếm được tờ giấy mơ ước. Và chỉ có thể thở phào: ơn giời, thế là xong một lễ hội nữa…

Nhưng phía trước vẫn còn đến 2 tháng “ăn chơi” theo như phong tục ăn và chơi tết của người Việt. Sau những ngày Tết Nguyên đán, ở mọi nơi từ làng quê đến phố thị đều có thể nghe thấy tiếng trống hội vang lừng với đủ thứ phướn bay, cờ bay đi kèm những cảnh ăn uống, sát phạt đỏ đen tưng bừng. Và chỉ sợ không đủ sức mà “chơi hội” khi chúng ta có đến 8.000 lễ hội lớn nhỏ, tức là trung bình mỗi ngày có 20 lễ hội. Tất nhiên, có nhiều lễ hội giàu bản sắc văn hóa, nêu cao được truyền thống dân tộc, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Như lễ hội Tịch điền ở một số tỉnh phía Bắc, cầu ngư ở các tỉnh duyên hải miền Trung…, nhưng đó chỉ là số ít và không “hút khách” bằng các lễ hội nặng tính “buôn thần, bán thánh” mà dư luận phản ánh.

Chúng ta đều biết rằng lễ hội là thời điểm mạnh, hội tụ sức mạnh của cộng đồng Việt, ngưng kết nhiều ý nghĩa và biểu tượng văn hóa đã được trao chuyển từ đời này qua đời khác. Chúng ta tìm thấy trong lễ hội cả những hào quang chiến thắng của những cuộc chiến tranh vệ quốc trong quá khứ, những tầng sâu của nền văn minh lúa nước, những ứng xử của con người đối với tự nhiên. Nay những điều đó chúng ta có tìm thấy trong lễ hội? Rất tiếc là không. Đó chỉ là sự thương mại hóa, sự thực dụng vật chất của các nhà tổ chức và người đi lễ. Những người tham gia lễ hội kéo đến toàn bằng những lời cầu khẩn sặc mùi vụ lợi, bằng những mâm lễ vật phàm tục để mặc cả với thần thánh, bằng những đồng tiền lẻ gài khắp thánh tượng, Phật tượng. Điều đáng buồn là ngoài nghĩa “tận thu”, gần như không có một lễ hội nào tuyên truyền một cách đầy đủ về ý nghĩa nhân văn của lễ hội, sự tích của thần linh. Sự biến dạng được làm mới bằng cái gọi là “sân khấu hóa” với đủ kiểu phù phép như biến lễ hội nhỏ thành lễ hội to, biến lễ hội tín ngưỡng địa phương thành… lễ hội tầm cỡ quốc gia… Từ nhiều năm nay, ngành văn hóa cùng các cấp chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp với hy vọng đưa công tác quản lý lễ hội đi vào quỹ đạo, như điều chỉnh phân cấp quản lý theo nguyên tắc nhà nước quản lý, giám sát, nhân dân tổ chức thực hiện; giảm quy mô, tần suất tổ chức; không sử dụng ngân sách nhà nước… Dẫu vậy, những kết quả mang lại không được như mong đợi.

Đương nhiên, nhu cầu tâm linh là cần thiết. Càng văn minh, càng no đủ về vật chất thì con người càng đòi hỏi nhu cầu cao về đời sống tinh thần, tín ngưỡng. Và bởi vậy mới cần có lễ hội, vì ít nhất cũng giải phóng được những ấm ức đời thường dù là trong chốc lát. Thật ra, người ta tìm đến thánh thần cũng vì muốn thành đạt, giàu có như nhiều người khác cùng trang lứa bỗng “phất” lên nhờ… sự trợ giúp của thần linh. Lâu nay, người Việt cũng như số đông người ở nhiều nước châu Á nói chung thường có quan niệm muốn thành công trong cuộc đời thì có tài chưa đủ, vẫn cần thêm một sức mạnh siêu nhân hỗ trợ như “âm dương phù trợ”, có phúc đức ông bà, tổ tiên… Và điều đó hoàn toàn khác với các nước phương Tây khi vai trò của lễ hội ngày càng mờ nhạt. Điều chúng ta cần bây giờ là “giải thiêng” những hủ tục mang tính mê tín dị đoan để trả lại sự lành mạnh vốn có của lễ hội. Cũng nên biết rằng ăn một miếng thịt trâu sau lễ hội chọi trâu (có giá đến cả triệu đồng/kg) không giúp thông minh hơn, có chăng chỉ mang tiếng xấu về sự bạo lực, về hình ảnh xấu xí của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế.

Để lễ hội đi vào nề nếp, thực sự là nơi giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, đã đến lúc cần minh bạch, phân loại lễ hội, cái nào là truyền thống, cái nào là hiện đại… và hậu hiện đại, cái nào cần phục dựng, cái nào không phục dựng. Sâu xa hơn, chúng ta cần thoát ly hoàn toàn tâm lý phụ thuộc vào “lộc” thánh thần, phải dựa chính vào tài năng cá nhân, đi bằng đôi chân và khối óc của mình. Điều đó đã được chứng minh trong lịch sử - qua các lễ hội - khi cha ông ta đi lên cũng chính bằng sức mạnh nội tại, bằng sự sáng tạo, quật cường, chứ không phải bằng cầu khẩn phép lạ từ đâu đó ban cho.

BÍCH PHƯỢNG

Tin cùng chuyên mục