Đưa các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống vào phục vụ khách du lịch là chủ trương của TPHCM từ hơn 5 năm nay. Hoạt động này vừa thu hút du khách bằng những món ăn tinh thần đặc sắc, phục vụ quảng bá du lịch, đồng thời cũng nhằm giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, đến nay nhiều người cho rằng vẫn còn nhiều việc để lo.
“Tư” áp đảo “công”
Nhắc đến sân khấu phục vụ du lịch, hầu hết các đơn vị nghệ thuật công lập gần như đang “ngủ đông” với sân khấu du lịch. Trong khi đó, có một số nghệ sĩ năng động, chủ động thực hiện sân khấu du lịch, bước đầu đã gặt hái thành công.
Có thể kể đến Huỳnh Anh Tuấn với thương hiệu Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng (nằm trong khuôn viên Cung Văn hóa lao động TPHCM), hàng ngày đều đặn biểu diễn phục vụ du khách. Rồi đôi vợ chồng NSƯT Đinh Linh – Tuyết Mai và các con của họ với điểm đến thưởng thức âm nhạc dân tộc thật độc đáo “Trúc Mai House” ở số 104 Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh.
Trong không gian gần gũi, ấm cúng của “Trúc Mai House”, du khách được thưởng thức âm thanh “mộc” vang lên từ những nhạc cụ làm bằng tre nứa, gỗ, đá, cũng như nhiều làn điệu hát dân ca nổi tiếng, phổ biến ở phía Bắc Việt Nam.
Đặc biệt, đây là nơi mà nhiều du khách có thể đặt những câu hỏi tìm hiểu về cách chơi hay nguồn gốc của những nhạc cụ truyền thống Việt Nam mà mình yêu thích. Thậm chí, ở không gian âm nhạc thân thiện và cởi mở, du khách còn được thử tài chơi nhạc cụ dân tộc cùng các thành viên trong gia đình nghệ sĩ giàu tâm huyết với âm nhạc truyền thống này. Tất cả đều diễn ra đúng như những gì mà gia đình nghệ sĩ này đã giới thiệu trên trang web www.trucmaimusic.com.
Giờ đây, với nhiều công ty lữ hành ở TP, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM và Trúc Mai House là hai điểm sáng văn hóa giải trí mà họ thường xuyên giới thiệu với du khách.
Sau bước đầu thành công với múa rối nước, “bầu” Huỳnh Anh Tuấn phấn khởi cho biết: “Chúng tôi đang tìm một điểm thích hợp ở Cung Văn hóa lao động TPHCM để tiếp tục thực hiện sân khấu du lịch - xây dựng Nhà hát Nón Lá, chuyên tổ chức biểu diễn nhạc dân tộc, hát ả đào, hát xẩm. Đây là dự án mà tôi đã ấp ủ từ lâu, mong muốn được giới thiệu những loại hình văn hóa dân tộc độc đáo của mình đến với bạn bè quốc tế khi có dịp đến TPHCM…”.
Còn dự án thực hiện sân khấu du lịch ở Khu du lịch Bình Quới, Bình Thạnh do Sở VH-TT-DL TPHCM khởi động, chuẩn bị hơn 2 tháng nay thế nào? Theo thông tin mới nhất, dự án này khó lòng thực hiện ở Bình Quới, bởi điều kiện đi lại, đường sá thường xuyên bị triều cường, ngập nước. Hiện nay, Sở VH- TT-DL TPHCM đang xem xét, trình UBND TPHCM chuyển dự án này về Khu du lịch Văn Thánh nên chưa biết bao giờ dự án này thành hiện thực!?
Cái bắt tay và nhiều khoảng trống
Bên cạnh các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật được đầu tư xây dựng để phục vụ du khách, nhiều năm qua, Sở VH-TT-DL TPHCM và các công ty du lịch lữ hành cũng bắt tay vào cuộc- hầu thu hút du khách đến với bảo tàng. Thông qua các công ty du lịch, số lượng du khách nước ngoài đến với bảo tàng ở TPHCM ngày càng tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên về lâu dài để cái bắt tay này trở thành động lực phát triển bền vững và căn cơ hơn, ngành bảo tàng nhất thiết phải được đầu tư đúng mức.
TPHCM là một địa phương có nhiều bảo tàng nhất nước, tuy nhiên để xây dựng nét đặc trưng, tạo điểm nhấn riêng cho từng bảo tàng vẫn đang là điều mong mỏi. Hiện nay, phần lớn sản phẩm và dịch vụ tại các bảo tàng quá đơn điệu, dễ thấy nhất là công tác trưng bày thiếu điểm nhấn, thiếu ấn tượng để thu hút du khách. Đó là chưa kể tình trạng cơ sở vật chất yếu kém, xuống cấp (như ở một số phòng trưng bày tại Bảo tàng TPHCM), không đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Trong hơn 10 bảo tàng tại TPHCM chỉ có vài đơn vị có sức hút khách du lịch khá như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TPHCM, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, còn lại khách không nhiều.
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM, cho biết gần đây bảo tàng thường tổ chức chuyên đề trưng bày thời sự, giới thiệu nhiều bộ sưu tập tài liệu, hình ảnh của các nhà báo, nhiếp ảnh gia quốc tế để tạo sự mới lạ, hấp dẫn du khách. Đồng thời, hàng tuần bảo tàng cũng tổ chức chương trình văn nghệ do các em là nạn nhân chất độc da cam biểu diễn, quầy hàng lưu niệm với sản phẩm thủ công do chính các em làm ra để giới thiệu đến du khách một cách sinh động hơn.
Với Bảo tàng TPHCM, bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, Giám đốc bảo tàng, cho hay sắp tới sẽ sắp xếp lại khu quầy lưu niệm, giải khát đồng thời tổ chức biểu diễn âm nhạc truyền thống (các loại hình như đờn ca tài tử) để phục vụ khách du lịch.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM tâm tư: “Bảo tàng sẽ xây mới khu trưng bày phục vụ thời sự, tổ chức quầy hàng lưu niệm. Tuy nhiên dự án mở rộng bảo tàng hiện vẫn chưa hoàn tất nên chưa thể làm gì được”.
Theo Sở VH-TT-DL TPHCM, TP đã có kế hoạch nâng cấp các bảo tàng, với kinh phí 250 tỷ đồng. Nhưng đến nay, ngoài Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã hoàn tất việc trùng tu, làm mới, nhiều bảo tàng khác (Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật TP, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ) dự án đã có, còn thực hiện thì chưa biết khi nào.
MINH AN - VÂN AN