Văn hóa - Sức mạnh nội sinh: Giữ di sản, dựng bản sắc

LTS: Sau 1 năm thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, có thể thấy, sức mạnh nội sinh của văn hóa dân tộc đã được phát huy. Sự khác biệt của mỗi quốc gia, dân tộc chính là bản sắc văn hóa và trong vòng xoáy hội nhập toàn cầu, chúng ta giữ được bản sắc trong môi trường quốc tế đa chiều, để kinh tế và văn hóa làm nền tảng, tiền đề và động lực phát triển.
Trình diễn đờn ca tài tử tại TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trình diễn đờn ca tài tử tại TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trong đời sống đương đại, văn hóa không chỉ là món ăn tinh thần mà còn là tiền đề, động lực phát triển kinh tế và tự thân văn hóa cũng có thể khai thác như một ngành công nghiệp không khói.
Nhận diện ngành công nghiệp văn hóa
Tháng 9-2016, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của chiến lược là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế và truyền thông, so với sự phát triển nhiều quốc gia trong khu vực, điển hình như nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, chúng ta đang ở cấp độ tiểu thủ công nghiệp nhưng bắt đầu có những điểm sáng đáng ghi nhận và việc nhận diện ngành công nghiệp văn hóa ngày càng mạnh mẽ hơn.
Những năm gần đây, từ dự án cá nhân của người trẻ đến doanh nghiệp ngày càng chú trọng đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào sản phẩm, dịch vụ. Tại hội chợ triển lãm quốc tế World Expo (tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, tháng 3-2022), bộ sưu tập “Annam Heritage” thuộc thương hiệu BARO do La Quốc Bảo (sinh viên ngành Thiết kế Kiến trúc, trường Đại học Monash, Melbourne, Australia) sáng lập, được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Những đôi giày vải đến từ thương hiệu Converse (Mỹ) được Bảo khéo léo Việt hóa bằng cách đưa vào đó họa tiết áo Nhật Bình. La Quốc Bảo bày tỏ: “Áo Nhật Bình là loại cổ phục của Việt Nam, được Hậu Phi, Công chúa triều Nguyễn mặc như thường phục, do hoa văn ở cổ áo khi ghép lại tạo thành hình chữ nhật trước ngực nên có tên gọi này. Với bộ sưu tập Annam Heritage, tôi tái hiện những họa tiết đậm bản sắc cung đình Huế như áo Bình Lĩnh, họa tiết mành rồng”.
Không dừng lại đó, một số chương trình nghệ thuật mang bản sắc, hồn cốt Việt bắt đầu vươn tầm thế giới. Xiếc tre À Ố Show xuất hiện từ năm 2015 đến nay trở thành chương trình nghệ thuật Việt được lưu diễn nhiều nhất. Theo đạo diễn Tuấn Lê: “À Ố Show đã có hơn 1.250 suất diễn tại Việt Nam, 200 suất diễn phục vụ khoảng 200.000 khán giả tại hơn 50 thành phố ở 12 quốc gia, vùng lãnh thổ như Pháp, Đức, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Đài Bắc... Đây cũng là vở diễn đầu tiên của Việt Nam được biểu diễn tại Nhà hát Opera Sydney, Australia”. Đạo diễn Tuấn Lê chia sẻ: “Chúng tôi dựa trên ý tưởng lấy xiếc tre làm chủ đạo, cốt lõi văn hóa Việt làm cảm hứng sáng tạo. À Ố Show khai thác đặc trưng văn hóa làng quê Nam bộ, có đờn ca tài tử và toàn bộ đạo cụ sử dụng đều làm từ tre, loại cây thân thuộc của vùng đất phương Nam, có tính ứng dụng cao trong đời sống”.
Đầu tư nhưng không mất chất
 Từ nhận diện đến phát triển ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có sự đầu tư để phát triển đường dài, và một trong những lo lắng được giới chuyên môn đặt ra chính là việc đầu tư không có chiều sâu sẽ đánh mất giá trị nguyên bản tốt đẹp của di sản.
Văn hóa - Sức mạnh nội sinh: Giữ di sản, dựng bản sắc ảnh 1 Xiếc tre À Ố Show có hơn 1.250 suất diễn tại Việt Nam, 200 suất diễn ở các nước và vùng lãnh thổ...
Tối 12-11, hội trường Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, nơi diễn ra lễ trao giải Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội như bùng nổ khi cái tên Khu rừng của Páo được xướng tên nhận vị trí cao nhất hạng mục phim ngắn. Khai thác chủ đề về văn hóa tập tục lâu đời của dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Khu rừng của Páo ghi dấu ấn nhờ những khung hình mang đậm màu sắc núi rừng Tây Bắc. Trong khi đó, dự án phim Chúa đất của Đỗ Thanh Sơn được chấm giải nhất hoạt động Chợ Dự án phim. Đây cũng là ý tưởng kịch bản duy nhất trong số 6 dự án thuộc thể loại lịch sử, khai thác một truyền thuyết của người H’Mông nhằm tái hiện không gian văn hóa miền núi phía Bắc. Đây là minh chứng cho thấy các nhà làm phim Việt Nam đã biết tận dụng lợi thế từ bản sắc văn hóa.
Trước đây, nhiều người vẫn tâm niệm bụng đói thì còn hơi sức đâu mà nghĩ tới văn hóa, tới bản sắc, song với người dân xóm Hoài Khao, Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) thì chính văn hóa đã mở ra cho họ nhiều cơ hội đổi thay cuộc sống. Nép mình trong một thung lũng mênh mông, bao quanh là đại ngàn Phja Oắc - Phja Đén, xóm Hoài Khao có hơn 34 nóc nhà với gần 200 nhân khẩu. Xóm nhỏ này là nơi sinh sống của đồng bào Dao Tiền. Tới đây, điều đầu tiên du khách có thể cảm nhận chất truyền thống hiện hữu trên mỗi nếp nhà, trang phục.
Ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, chia sẻ: “Ban đầu vận động bà con làm homestay gặp nhiều khó khăn, cán bộ huyện phải đi từng nhà thuyết phục, rằng muốn cuộc sống ấm no hơn, kinh tế tốt hơn thì không thể chỉ làm nương, làm rẫy được. Chúng ta có lợi thế phong cảnh thiên nhiên đẹp, hùng vĩ, có bản sắc văn hóa, vậy thì chúng ta sẽ làm du lịch cộng đồng, làm homestay để làm sao xóm Hoài Khao trở thành địa điểm du lịch, thu hút du khách đến trải nghiệm văn hóa, cảnh đẹp nơi đây”. Lãnh đạo địa phương còn mời các chuyên gia văn hóa, du lịch về chia sẻ, gợi mở những mô hình thành công trong việc làm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng…
Đến nay, nhiều nếp nhà gỗ với mái lợp âm dương truyền thống đã được bà con dựng lại. Chị Lý Thị Hương, chủ một homestay phấn khởi: “Người dân Hoài Khao mới nghe du lịch cộng đồng thì lạ lắm. Nhưng khi nghe cán bộ xã, huyện, tỉnh nói đó là sự bảo vệ, phát huy, giới thiệu văn hóa dân tộc Dao Tiền và vẻ đẹp thiên nhiên; phát triển kinh tế gia đình, chúng tôi mừng lắm. Mừng nhiều và lo không ít. Để làm một homestay, chúng tôi phải tu bổ lại nhà cửa hơn 300 triệu đồng, là một con số khổng lồ. Rất may, được huyện Nguyên Bình hỗ trợ mỗi homestay 80 triệu đồng và giúp vay vốn ưu đãi của tỉnh, của Nhà nước, chúng tôi mạnh dạn thay đổi”.
Say sưa hướng dẫn lũ trẻ cách in hoa văn sáp ong, bà Bàn Thị Liên, người xóm Hoài Khao, kể đã có lúc lứa trẻ ở Hoài Khao rời làng đi làm ăn xa, không còn quan tâm tới chạm bạc hay mặc trang phục truyền thống nữa. Nhưng nhờ sự thích thú của du khách khi đến nơi này mà bà con đã quay lại kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong Khoái cho trang phục váy áo của dân tộc Dao Tiền. Nhiều gia đình đã sửa chòi chứa thóc - nét độc đáo chỉ có ở Hoài Khao, lập các nhóm nghệ nhân hướng dẫn kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong, nghề thủ công chạm bạc... Chính màu sắc bản địa ấy đã khiến du khách trong nước, quốc tế phải vượt bao dặm đường quanh co, khúc khuỷu vì đã “phải lòng” xóm núi này.

TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng, cơ sở hạ tầng phong phú giàu bản sắc và hàng trăm không gian sáng tạo trên toàn quốc là lợi thế để Việt Nam khai thác, chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa ở sự hấp dẫn, khả năng kết nối. Phát triển công nghiệp văn hóa còn là con đường để thúc đẩy sự “tiến bộ và phồn vinh của văn hóa dân tộc”. Bà nói: “Ngành công nghiệp văn hóa tạo cơ hội học tập cho nhiều người, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền. Bởi, Việt Nam có 54 dân tộc anh em với kho tàng di sản vô giá. Tất cả đều có thể trở thành chất liệu sáng tạo, mang đến sản phẩm văn hóa nghệ thuật vừa tôn vinh văn hóa dân tộc, vừa tạo ra sự khác biệt, giá trị riêng cho các sản phẩm văn hóa nghệ thuật”.

---------------------

Kể từ năm 2013, Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể. Mong muốn gắn di sản với phát triển kinh tế, nhưng tính chú trọng vào giá trị nguyên bản của di sản chưa cao. Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Nhâm Hùng chia sẻ: “Đờn ca tài tử là loại hình vừa bác học vừa bình dân, dù nguồn gốc xuất phát nhã nhạc cung đình nhưng gắn với sinh hoạt hàng ngày của người dân, có thể đờn ca ở sân nhà, góc vườn… Vì thế, nên dùng từ thực hành hoặc sinh hoạt đờn ca tài tử chứ không phải trình diễn. Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, trước hết phải gọi đúng tên và giá trị nguyên bản của di sản”.

Di sản kiến trúc, cảnh quan cũng cần được chú trọng trong lộ trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Ủy viên Hội đồng phê bình, lý luận văn học, nghệ thuật TPHCM, chia sẻ: “Việc phát triển đô thị cần chú trọng những di sản gắn liền với bản sắc thành phố, như thành công của Bến Bình Đông và Bến Bạch Đằng phản ánh xuất phát điểm hình thành từ đô thị sông nước của TPHCM”.

Tin cùng chuyên mục